Tỷ lệ sở hữu ô tô được coi là một trong những thước đo về mức độ phát triển của một quốc gia. Quy mô thị trường xe hơi cũng được xem là yếu tố quyết định đến cơ hội phát triển của ngành công nghiệp ô tô cũng như tác động đến giá bán của loại sản phẩm đặc biệt này.
Năm 2025 sẽ bước vào thời kỳ bùng nổ?
Theo một số dự báo gần đây của Bộ Công thương, thị trường ô tô tại Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ bùng nổ vào năm 2025 khi mức thu nhập bình quân đầu người vượt qua ngưỡng 3.000 USD. Khi đó, thị trường ô tô trong nước có thể lên tới 600 nghìn xe/năm.
Tuy nhiên, một nghiên cứu về ngành ô tô Việt Nam năm 2020 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Asean (Asean Securities) đã đưa ra nhận định, ô tô tại Việt Nam là mặt hàng luôn bị đánh thuế cao, đồng thời xếp vào loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khiến giá bán xe đến tay người tiêu dùng cao hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại Việt Nam còn thấp cũng là lý do khiến giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam cao. Đây chính là lý do khiến tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam còn thấp.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lý do đầu tiên khiến người dân tại Việt Nam chưa mua nhiều ô tô là do điều kiện kinh tế chưa cho phép, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Tuy nhiên, nếu so cùng thời điểm các nước có thu nhập như Việt Nam hiện tại thì thị trường trong nước vẫn tiêu thụ ô tô ít hơn vì giá thành xe cao hơn khoảng 20% so với các nước, cộng thêm một số loại thuế, phí cao dẫn tới giá bán xe cũng cao hơn.
Để tối thiểu mỗi gia đình Việt Nam sở hữu được một chiếc xe ô tô, theo dân số Việt Nam năm 2020 thì ít nhất sẽ phải có khoảng từ 20 - 25 triệu ô tô lưu hành trên đường. Nhưng với những số liệu về ô tô đang lưu hành hiện nay thì còn rất xa mới đạt được con số kể trên.
“VAMA cũng đã từng tính toán là đến năm 2030, mỗi năm sẽ bán được tầm 1 triệu xe con mới tại Việt Nam. Từ năm 2030 trở đi, 10 năm sau đó (tức đến năm 2040) sẽ có thêm khoảng 10 triệu xe mới bán ra. Còn từ bây giờ đến năm 2030 sẽ bán được thêm khoảng 5 triệu xe nữa. Vì vậy, có thể dự báo từ năm 2040 trở đi, có thể sẽ đạt được mục tiêu mỗi gia đình sẽ sở hữu ít nhất một xe ô tô, nếu tính toán theo sức mua và điều kiện như hiện nay. Hiện nay tại Thái Lan, trung bình 1.000 người sở hữu khoảng 300 xe, trung bình mỗi hộ cũng sở hữu ít nhất 1 xe. Trong ngành vẫn hay nói Việt Nam đi sau Thái Lan khoảng 20 năm về ngành ô tô. Vì thế cần có những chủ trương, định hướng để thu hẹp khoảng cách này”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Còn chuyên gia kinh tế, Ths. Đinh Tuấn Minh (thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ở các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia khi có mức GDP bằng Việt Nam hiện tại (GDP năm 2019 của Việt Nam là 2.786 USD/ người), họ đã đạt được mỗi gia đình có một chiếc ô tô, chứ không cần chờ đến khi phát triển với mức GDP cao như hiện nay.
“Nguyên nhân chính khiến mỗi gia đình Việt Nam khó có một chiếc ô tô hiện nay là do các loại thuế dành cho ô tô tại Việt Nam quá cao khiến giá ô tô đắt gấp 2, 3 lần các quốc gia khác. Do đó, để phát triển các ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ thì việc đầu tiên cần phải hướng đến là giảm và giảm thật mạnh các loại thuế liên quan đến ô tô. Qua đó, kích thích người dân mua, từ đó tạo ra các nguồn thuế khác bù vào và Nhà nước cũng sẽ không bị mất đi nguồn thuế. Đồng thời, kích thích được sở hữu tiêu dùng liên quan đến ô tô”, ông Minh nhận định.
Cũng theo Ths. Minh, chỉ đến khi giá ô tô từ 5.000 USD/chiếc thì mỗi gia đình Việt Nam đều có thể sở hữu một chiếc ô tô, kể cả trong điều kiện hiện nay. Còn nếu không, phải đến khi GDP bình quân đầu người đạt được 5.000 USD thì mới có thể đạt được điều này. Và khi đó ước chừng phải mất từ 10 - 15 năm nữa.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, ở nước ngoài, chiếc ô tô là phương tiện đi lại phổ thông như xe máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bên cạnh là phương tiện đi lại, chiếc xe ô tô còn là thể diện xã hội của mỗi người.
Để “nuôi” một chiếc ô tô, mỗi tháng cần phải chi khoảng 5 - 10 triệu đồng cho các loại phí: Hao mòn, xăng dầu, sửa chữa, gửi xe (với những nhà không có chỗ để xe)…
“Trong khi đó, lương cơ bản của người dân Việt Nam hiện nay mới chỉ 3 triệu đồng/tháng. Do đó, khi nào thu nhập bình quân mỗi tháng đạt 30 triệu đồng thì mỗi gia đình hãy nghĩ đến việc mua ô tô”, ông Đồng nhận định.
Về vấn đề tỷ lệ nội địa hóa phương tiện thấp, ông Đồng cho biết do số lượng tiêu thụ nhỏ nên khó thu hút đầu tư sản xuất xe. “Cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện mới có thể thu hút các công ty sang Việt Nam sản xuất để phục vụ thị trường trong nước và bán ra các nước khác. Từ đó, mới có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa phương tiện”, ông Đồng cho biết.
Hạ tầng giao thông có vai trò rất lớn
Tuy nhiên, nếu GDP tăng trưởng hay giá xe giảm đi, nhiều người có tiền cũng chưa chắc đã mua ô tô bởi theo ông Nguyễn Trung Hiếu, còn có yếu tố thuận lợi khi sử dụng xe, yếu tố hạ tầng cơ sở. Ví dụ mua xe nhưng không có chỗ đỗ, hay di chuyển bằng ô tô khó khăn… khiến có tâm lý ngại sở hữu ô tô vì còn nhiều bất tiện.
“Hạ tầng giao thông rất quan trọng đối với việc phát triển công nghiệp ô tô. Hạ tầng phát triển dẫn đến thúc đẩy điều kiện sử dụng thuận lợi hơn, mà khi thuận lợi sử dụng hơn dẫn đến thị trường tăng trưởng bền vững hơn cũng như các chính sách liên quan đến ô tô sẽ dễ làm hơn”, ông Hiếu cho biết thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam chưa đáp ứng được việc mỗi gia đình có một chiếc ô tô. Khi nào không còn ngõ, hẻm, xe ô tô phải chạy vào được tận nhà thì mới đáp ứng được.
“Hiện nay, ngõ, hẻm ở Việt Nam còn quá nhiều, nhiều ngõ, hẻm xe ô tô không thể đi vào được, nếu được cũng chỉ đi được 1 chiếc. Mặt khác, đa số người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM sinh sống trong khu vực có ngõ, hẻm còn mặt đường lớn thì dành cho cơ quan, kinh doanh. Trong khi đó, một chiếc xe hơi phải cần tới 16 - 20m2 để đỗ xe, chưa tính chạy trên đường, để đảm bảo an toàn giao thông, cần phải giữ khoảng cách với các xe xung quanh ít nhất 0,5m ở cả 4 phía”, ông Đồng nói.
Ths. Đinh Tuấn Minh nhận định, khi đã đạt được mục tiêu mỗi gia đình có một chiếc ô tô sẽ làm thay đổi phương thức tổ chức giao thông, phương thức tổ chức đô thị để thích ứng với lượng ô tô lớn ở trong xã hội.
“Ví dụ, các hình thức mua bán ở mặt đường sẽ giảm đi để chuyển sang hình thức mua bán ngoại vi, kể cả việc sinh sống ở nội thành cũng giảm vì không có khả năng để được ô tô mà chuyển sang sinh sống ở các khu đô thị vệ tinh. Ngoài ra việc giảm thuế giúp giá ô tô rẻ hơn sẽ khiến cho những gia đình trung lưu ở các tỉnh mua được ô tô và sử dụng chúng để đi làm trong thành phố vì không còn sợ quãng đường di chuyển xa nữa”, Ths. Minh cho biết thêm.
Năm 2019, trang web Seasia (trụ sở tại Indonesia) đưa ra một dữ liệu đánh giá về tỷ lệ sở hữu ô tô trên mỗi 1.000 người của các nước Đông Nam Á. Theo đó, Brunei đứng đầu danh sách với 721 xe/1.000 dân, tiếp đến là Malaysia với 443 và Thái Lan 225. Việt Nam đứng gần cuối bảng với chỉ 23 xe/1.000 người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận