Mất nhiều khách mua ô tô trả góp
Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 11/2022, các thành viên bán ra tổng cộng 36.371 ô tô các loại, giảm nhẹ 0,5% so với tháng trước và 6% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, doanh số xe du lịch gần như đi ngang so với tháng 10/2022.
Thị trường ô tô cuối năm đang có dấu hiệu kém sôi động
Còn TC Motor cũng thông báo, tháng 11/2022, tổng số xe bán ra thị trường đạt 7.543 chiếc, thấp hơn 600 xe so với tháng trước đó.
Từ các báo cáo doanh số kể trên, có thể thấy dự báo của các chuyên gia về tình hình thị trường ô tô cuối năm bước đầu đã đúng. Bên cạnh việc nguồn cung ứng linh kiện chưa hồi phục hoàn toàn khiến một số mẫu xe vẫn trong tình trạng khan hàng, việc vay mua ô tô trả góp khó khăn, lãi suất cao… đã khiến mùa mua sắm ô tô được xem là sôi động nhất năm bước đầu kém sôi động.
Trao đổi với PV, giám đốc một đại lý ô tô lớn tại Hà Nội nhận định, thị trường ô tô Quý IV/2022 sẽ khác so với cùng kỳ của những năm trước. Dù như thông thường, đây là mùa mua sắm cuối năm sôi động song năm nay, có nhiều yếu tố khiến thị trường được dự báo sẽ đi ngang, thậm chí có thể không bằng những năm trước.
“Khác thứ nhất là 5 tháng đầu năm đã có giảm lệ phí trước bạ nên 7 tháng cuối năm nhu cầu sẽ xuống. Thứ hai là nhu cầu mua xe bị ảnh hưởng nặng nề bởi bất động sản, chứng khoán, tài chính. Bên cạnh đó, hiện vay ngân hàng để mua xe cũng khó khăn hơn các năm trước”, vị giám đốc chia sẻ.
Nhu cầu thấp, việc vay mua ô tô khó khăn hơn, lãi suất cao đã khiến nhóm khách hàng mua xe trả góp sụt giảm.
Trưởng phòng một đại lý Ford tại Hà Nội cho biết, nhìn chung các hãng xe phổ thông tỷ lệ khách vay mua xe hiện chiếm từ 30 – 40% nên việc khó vay hơn và lãi suất tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường ô tô.
Tương tự, một nhân viên đại lý Hyundai ở Hà Đông (Hà Nội) cũng cho biết lãi suất vay mua xe tăng cao khiến đại lý gần như mất khoảng 30% lượng khách mua ô tô trả góp, ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Các hãng xe đẩy mạnh ưu đãi, giảm giá kích thích mua sắm ô tô
Thị trường ô tô có cơ hội đảo chiều
Dường như nhận thấy tình hình “nguội lạnh” của thị trường ô tô cuối năm nên ngay từ đầu tháng 12/2022, hàng loạt các hãng xe đã tung ưu đãi kích cầu doanh số.
Trong đó, một số hãng xe như Honda, Mazda, Toyota hay Hyundai trong tháng 12/2022 áp dụng chương trình hỗ trợ từ 50 – 100% lệ phí trước bạ đối với một số mẫu xe như Toyota Vios, Honda CR-V hay Mazda CX-3, CX-30…
Bên cạnh đó, để gia tăng lượng khách mua ô tô trả góp, một vài hãng cũng triển khai các gói vay mua ô tô ưu đãi với lãi suất thấp cố định năm đầu tiên như Toyota hay Hyundai.
Ngoài hỗ trợ lệ phí trước bạ, ưu đãi lãi suất vay mua xe năm đầu thấp, các thương hiệu như Peugeot, Mitsubishi, BMW hay Subaru có cách kích thích mua sắm ô tô truyền thống hơn là ưu đãi, giảm giá trực tiếp. Ví dụ như Subaru giảm giá Forester tới hơn 200 triệu đồng, hay Peugeot là gần 100 triệu đồng đối với Traveller Premium 7 chỗ.
Thêm vào đó, tuỳ từng đại lý và mẫu xe, hầu hết các mẫu xe đều đang nhận được ưu đãi, giảm giá trong mùa mua sắm ô tô cuối năm.
Trao đổi với PV, một vị đại diện VAMA nhận định, dù nửa cuối năm 2022, nhiều hãng ô tô thực hiện tăng giá song tuỳ thời điểm để cạnh tranh, các hãng có thể vẫn sẽ khuyến mại bởi không hãng nào chịu mất thị phần. Bởi giá bán sẽ rất ít điều chỉnh song chương trình khuyến mại chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định để cạnh tranh.
Một nhân viên tín dụng ngân hàng Vietcombank cho biết có thể từ 1/1/2023, thị phần mua ô tô trả góp sẽ gia tăng trở lại. Bởi từ thời điểm này sẽ có room tín dụng mới năm 2023. Tuỳ từng ngân hàng sẽ có tỷ lệ room tín dụng cho vay mua xe khác nhau.
“Tuy nhiên khi có room tín dụng mới, việc vay mua xe trả góp sẽ dễ thở hơn, đồng thời sản phẩm bổ trợ mua “hỗ trợ” để được duyệt khoản vay cũng có thể sẽ có giá trị thấp hơn hiện nay. Nhưng tình hình lãi suất vay mua xe biến động ra sao sẽ rất khó đoán bởi còn phụ thuộc vào lãi suất huy động tiền gửi.
Khi kinh tế thế giới ổn định, chênh lệch tỷ giá VND và USD về như cũ... thì lãi suất huy động sẽ bình thường như trước. Từ đó lãi vay cũng sẽ giảm xuống”, nhân viên này nhận định.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, Thủ tướng vừa yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại một số hoạt động. Trong đó có rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay… Đồng thời tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận