“Chào sân" Việt Nam bằng dải sản phẩm xe thuần điện
Sau nhiều thông tin hé lộ, BYD vừa có màn khởi động trước khi chính thức gia nhập thị trường Việt với chương trình lái thử kéo dài từ ngày 15-19/6, dành cho giới báo chí, truyền thông cũng như người tiêu dùng.
Ba mẫu ô tô đầu tiên mà hãng giới thiệu là Dolphin, Atto 3 và Seal, đều là xe thuần điện (BEV) và thuộc ba phân khúc khác nhau.
Trong đó, Dolphin có giá dễ tiếp cận nhất và được định vị thuộc nhóm xe 5 cửa gầm thấp (hatchback) cỡ B, phân khúc vốn không nhiều lựa chọn ngoài hai mẫu xe xăng là Toyota Yaris và Suzuki Swift.
BYD Atto 3 thuộc phân khúc SUV cỡ B+ và là sản phẩm chủ lực về doanh số của hãng ở nhiều thị trường quốc tế, gồm cả Đông Nam Á. Đây cũng là phân khúc được ưa chuộng hàng đầu tại Việt Nam với sự góp mặt của nhiều mẫu ô tô. Nhóm xe xăng có Toyota Corolla Cross, Hyundai Creta, Kia Seltos..., còn xe điện có MG4 EV hay VinFast VF 6.
Có thể xem BYD Seal là dòng xe đầu bảng của hãng trong bộ ba ra mắt vừa qua. Seal thuộc nhóm sedan hạng D, phân khúc hiện chưa có mẫu ô tô thuần điện nào đến từ các thương hiệu phổ thông.
Ngoại trừ Atto 3, hai cái tên còn lại trong màn “chào sân" của BYD đều thuộc các phân khúc không mấy ăn khách tại Việt Nam.
Năm 2023, tổng doanh số hatchback cỡ B gồm Yaris và Swift đạt vỏn vẹn 535 chiếc. Nhóm sedan hạng D khá hơn nhưng cả năm cũng chỉ bán được hơn 4.600 xe, riêng Toyota Camry chiếm hơn nửa số này.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về lý do lựa chọn những dòng xe thuộc phân khúc ít ăn khách để ra mắt Việt Nam, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Việt Nam cho biết, đây là ba mẫu xe thành công nhất của BYD tại rất nhiều thị trường quốc tế, gồm cả các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, do đó cũng sẽ có cơ hội lớn hơn để thuyết phục khách Việt.
“Với thị trường Việt Nam, BYD chọn cách tiếp cận thận trọng, chắc chắn với những mẫu xe đã có thành công nhất định, thay vì đưa các dòng sản phẩm mới về nhằm mục đích thăm dò, thử nghiệm. Hãng cũng sẽ có nhiều cách tiếp cận để người tiêu dùng thấy được sự khác biệt của xe BYD về thiết kế, tính năng, công nghệ...”, ông Lực nói.
Bán xe thế nào khi thiếu hạ tầng trạm sạc riêng?
Ba mẫu ô tô BYD đầu tiên cập bến Việt Nam đều là xe thuần điện. Những cái tên còn lại mà hãng lên kế hoạch giới thiệu trong giai đoạn cuối năm nay gồm Han, Tang và Song đều có phiên bản hybrid cắm sạc (PHEV) ở thị trường quốc tế, tuy nhiên dự kiến chỉ bản BEV được đưa về.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Minh Lực cho biết, hiện BYD không có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc riêng. Đây là chiến lược lâu dài của cả tập đoàn trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam nói riêng.
Cả ba xe BYD vừa ra mắt đều có thể sạc nhanh từ 30-80% pin trong 30 phút.
Với thị trường Việt, BYD có một số giải pháp về vấn đề này. Ví dụ như tặng kèm khách mua xe bộ sạc 7kW tại nhà và hỗ trợ lắp đặt miễn phí, để phục vụ những người có nhà riêng với chỗ để xe tại gia. Đây cũng là nhóm khách hàng đầu tiên mà BYD hướng tới.
“Khi cắm sạc qua đêm, xe BYD có thể đi được khoảng 400-500km. Nếu di chuyển hàng ngày trong tỉnh, thành phố với quãng đường 100km thì từ 4-5 ngày mới phải sạc một lần.
Các khách hàng với nhu cầu di chuyển xa hơn, hoặc đi liên tỉnh có thể sạc xe tại hệ thống đại lý trên toàn quốc của BYD. Hiện tại đã có 20 đại lý đang được xây dựng, và hãng cũng đang trong giai đoạn đàm phán với 20 nhà đầu tư khác. Tất cả đại lý đều trang bị trạm sạc và có thể xem đây là mạng lưới trạm sạc riêng của hãng tại Việt Nam”, ông Lực giải thích.
Cùng đó, BYD cũng đang làm việc với các đối tác cung cấp trạm sạc bên thứ ba để mở rộng hạ tầng sạc, cũng như đưa ra được mức giá sạc tốt hơn đáng kể dành riêng cho các khách hàng dùng xe của hãng.
Theo ông Lực, những giải pháp kể trên có thể đáp ứng nhu cầu sạc xe của phần lớn khách hàng trong giai đoạn đầu hãng gia nhập thị trường Việt.
Hiện tại, nhiều đơn vị đã tham gia đầu tư, phát triển trạm sạc bên thứ ba dành cho xe điện tại Việt Nam, tuy nhiên tốc độ và quy mô mở rộng còn hạn chế.
Giới chuyên môn nhận định, nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp trạm sạc vẫn đang chờ thị trường ô tô điện đủ lớn, các chính sách và quy định rõ ràng mới mạnh tay đầu tư, trong khi nhiều hãng xe cũng lại chờ hạ tầng trạm sạc đủ phát triển mới đẩy nhanh tiến độ ra mắt sản phẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận