Trong bối cảnh ô tô từ ASEAN tràn vào Việt Nam, được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, muốn phát triển công nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước cần có thêm những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp ô tô đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Ô tô nhập khẩu thu hẹp khoảng cách
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tuy trùng với đợt nghỉ Tết Âm lịch nhưng lượng ô tô nhập khẩu (CBU) vào Việt Nam trong tháng 2/2019 vẫn tăng mạnh với 14.134 xe, nhiều hơn 2.476 chiếc so với tháng trước (tăng 21%). Nếu so với cùng kỳ năm trước, lượng ô tô nhập khẩu tăng tới hơn 3.000%. Trong đó, hầu hết các mẫu xe nhập khẩu đều có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 2 tháng đầu năm 2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước (CKD) giảm 16% trong khi xe nhập khẩu tăng 169% so với cùng kỳ. Theo một số nhận định, chưa bao giờ các mẫu xe CBU có khoảng cách tốt như vậy so với xe CKD, mức chênh lệch hiện chỉ hơn 2.000 xe. Nếu nguồn cung tốt hơn nữa, xe nhập khẩu có thể cân bằng doanh số xe lắp ráp trong những tháng tới, thậm chí vượt qua để chi phối thị trường.
Đánh giá về hiện trạng công nghiệp ô tô Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, người có hơn 30 năm làm việc ở Phòng nghiên cứu - Phát triển tại các nhà máy ô tô của Đức cho rằng: “Hiện ngành sản xuất và lắp ráp xe hơi ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 20% so với các nước trong khu vực về cả quy mô thị trường, trình độ kỹ thuật cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Chúng ta mới chỉ dừng ở sản xuất những linh kiện giản đơn, giá trị thấp trong khi các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan đi trước khá nhiều. Ngoài quy mô sản xuất tới 2 triệu xe/năm, Thái Lan còn phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Với ngành sản xuất ô tô, công nghệ về cân bằng động rất quan trọng (như cân bằng mâm thắng, hệ thống, trục quay...) nhưng Việt Nam gần như chưa có”.
Cần sớm có chính sách mới
Ngày 12/3, tại cuộc họp về phát triển công nghiệp ô tô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan điểm cho rằng, trong bối cảnh tự do hóa thương mại thì không cần sản xuất ô tô trong nước mà sẽ nhập khẩu toàn bộ là quan điểm sai lầm, nhất là khi chúng ta tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế. Đối với ngành công nghiệp ô tô, cần đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện, kể cả động cơ, các phụ tùng quan trọng nhất trong số khoảng 7.000 chi tiết tạo nên một chiếc ô tô, để có giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, cần tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực và chú ý mở rộng thị trường. Thời gian tới, sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ liên quan đến phụ tùng ô tô, chính sách về đầu tư, nhất là đầu tư sản phẩm công nghệ cao như ô tô.
Để phát triển sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, ông Nguyễn Minh Đồng cho rằng, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi thật tốt và ổn định để phát triển ngành CNHT cũng như đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. “Thời gian qua, chúng ta tập trung bảo hộ sản xuất xe lắp ráp nhưng lại ưu đãi chưa đúng chỗ. Chẳng hạn, chúng ta duy trì đánh thuế rất cao với xe nhập khẩu nguyên chiếc giúp các doanh nghiệp lắp ráp trong nước không phải lo chuyện cạnh tranh từ xe nhập. Tuy nhiên, chúng ta lại duy trì thuế nhập linh kiện ở mức thấp hơn nhiều trong một thời gian dài. Điều này khiến các doanh nghiệp có xu hướng nhập linh kiện từ các quốc gia có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển về lắp ráp nên sản xuất linh kiện trong nước không có cơ hội phát triển”.
Kiến nghị về chính sách mới cho công nghiệp ô tô, VAMA cũng từng đề xuất gói giải pháp. Đầu tiên là phải có thị trường tăng trưởng ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Tiếp đến, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thuận lợi cho sản xuất như: thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Khi đã có chính sách hỗ trợ phải tập trung vào phát triển nền CNHT, tăng tỉ lệ nội địa hóa, từ đó giúp giảm giá thành.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), ông Toru Kinoshita cho rằng, khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% thì nâng cao tỉ lệ nội địa hoá mới là hướng đi lâu dài và bền vững: “Đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần là gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt Nam mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh”.
Tương tự là một doanh nghiệp ô tô đang hướng mạnh vào việc sản xuất, lắp ráp trong nước, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công (TCG) cho biết, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 12/3 vừa qua, TCG đã kiến nghị cần có chính sách đặc thù để phát triển CNHT như: Miễn thuế nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu, vật tư để sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô trong nước. Hiện doanh nghiệp CNHT trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu, vật tư có thuế nên khó có khả năng cạnh tranh được với ô tô nhập khẩu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận