Ngày 10/8/2022, Báo Giao thông đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đề nghị cơ quan chức năng thuộc Bộ vào cuộc, xử lý website giả mạo Báo Giao thông điện tử, lừa bán giấy phép lái xe giả.
Giao diện của website giả mạo Báo Giao thông điện tử, lừa bán giấy phép lái xe. Ảnh chụp màn hình
"Trang web giả mạo có tên miền https://baogiaothongvn.com, sử dụng măng séc, địa chỉ trụ sở của Báo Giao thông, đăng bài viết sai sự thật, nhằm lừa đảo bán giấy phép lái xe giả, quảng bá cho trang tra cứu giấy phép lái xe https://tcgplxgov.vn/.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác nhận đây là trang tra cứu giấy phép lái xe giả mạo. Các trang tra cứu thông tin giấy phép lái xe giả hiện nay liên tục thay đổi tên miền để tránh bị kiểm soát.
Việc xuất hiện các trang web giả mạo Báo Giao thông điện tử, trang tra cứu giấy phép lái xe giả với nhiều bài viết sai sự thật đang gây hiểu lầm cho bạn đọc, ảnh hưởng đến uy tín của Báo Giao thông cũng như niềm tin của nhân dân vào các cơ quan báo chí chính thống, vào hệ thống cơ quan Nhà nước", trích công văn của Báo Giao thông.
Do đó, Báo Giao thông đề nghị Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông) có giải pháp hỗ trợ, chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ xử lý, chặn tên miền trang web giả mạo Báo Giao thông điện tử và các trang tra cứu giấy phép lái xe giả.
Báo Giao thông cũng kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo mở chuyên án triệt phá các đường dây buôn bán giấy phép lái xe giả hiện đang hoạt động công khai trên internet và các trang mạng xã hội.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống (Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và Người lái - Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, trước đây đã phối hợp xử lý một vụ làm GPLX giả, tuy nhiên tình trạng này lại tái diễn theo hướng tinh vi hơn, táo tợn làm giả cả trang báo chính thống.
"Cần phải có sự nhập cuộc các cơ quan chức năng bên Bộ TT&TT và Bộ Công an, tìm ra phần gốc là những đối tượng sản xuất, in ra những tấm GPLX giả, tránh người dân bị mắc lừa mua và sử dụng GPLX giả", ông ông Lương Duyên Thống nói.
Một lãnh đạo Cục Báo chí cho hay, vụ việc có dấu hiệu hình sự nên Cục Báo chí sẽ khẩn trương phối hợp các cơ quan có thẩm quyền để xử lý, bảo vệ cơ quan báo chí chính thống.
Trang web giả mạo Báo Giao thông điện tử bị cơ quan chức năng xử phạt tháng 9/2021, số tiền phạt 52,5 triệu đồng
Trước đó, hôm 7/9/2021, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TTTT) đã ra quyết định xử phạt người vận hành trang web baogiaothong.com giả mạo Báo Giao thông điện tử và cung cấp thông tin trên trang baogiaothongvietnam.com có nội dung sai sự thật, tổng mức phạt 52,5 triệu đồng.
Phòng An ninh Báo chí xuất bản, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03 - Bộ Công an) cũng phát hiện một số trang web giả mạo Báo Giao thông nên đã chủ động báo cáo lãnh đạo Cục A03 tiến hành điều tra, xác minh.
Quá trình điều tra, đơn vị phát hiện một số trang web giả mạo Báo Giao thông, tự ý sản xuất tin, bài với nội dung xấu, nhảm nhí nhằm "câu view, câu like".
Cụ thể, trang web giả mạo Báo Giao thông với tên miền baogiaothongvietnam.com đã tự ý sản xuất các bài viết không được kiểm chứng, có nội dung giả mạo, thường xuyên chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội.
Công an tỉnh Thái Bình cũng đã xử phạt 3 đối tượng liên quan đến trang web giả mạo Báo Giao thông này, mỗi người 7,5 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận