Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng xe hơi ngày càng cao, một nghiên cứu mới đây từ trường đại học Australian Catholic University (ACU National) kết luận ngồi sau vô lăng hơn 1 giờ mỗi ngày có thể khiến cân nặng của chúng ta tăng 2,3kg so với những người lái xe dưới 1 phút/ngày.
Không những vậy, các nhà nghiên cứu cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tăng 1,5cm ở vòng eo, thậm chí tử vong sớm. Nguyên nhân là do lười vận động sẽ khiến những vấn đề về sức khỏe như bệnh tiểu đường và bệnh tim trở nên trầm trọng hơn. Trong đó, nam giới là những người có khả năng bị tác động nhiều nhất bởi họ thường dành nhiều thời gian ngồi sau vô lăng.
Nghiên cứu đánh giá thói quen lái xe của 2.800 người trưởng thành đối với chỉ số khối cơ thể (BMI), vòng eo, đường huyết và một loạt các tín hiệu khác liên quan đến bệnh tim mạch, tiểu đường. Theo các nhà khoa học, có tới 64% những người đến từ Anh sử dụng xe hơi là phương tiện đi lại chủ yếu, trong khi đó, tỷ lệ ở người Mỹ là 86%.
Theo tác giả nghiên cứu Takemi Sugiyama, động lực đằng sau việc sử dụng giao thông công cộng thường dựa vào việc tiết kiệm thời gian đi lại do giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, ông cho rằng tác động lên sức khỏe con người mới là yếu tố nên được xem xét.
Kết quả xuất hiện một tuần sau khi Trường Đại học Oxford (Mỹ) cho rằng tình trạng “bụng bia” làm tăng tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Theo đó, cứ mỗi khi vòng eo tăng 10,6cm, nguy cơ một người đàn ông mắc phải căn bệnh này ở dạng nguy hiểm nhất cũng tăng tới 13%.
Trước đó, một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 3 trên hơn 150 nghìn người Anh độ tuổi 40-69 phát hiện những người đi bộ, đi xe đạp, thậm chí sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ có chỉ số khối cơ thể thấp hơn những tài xế ô tô. Ngoài ra, đối với nam giới ở tuổi 53, đạp xe đi làm thay vì lái xe có thể đem lại sự khác biệt tới 5kg về trọng lượng cơ thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận