• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
360° xe

Lập website giả mạo Báo Giao thông lừa bán bằng lái xe giả

10/08/2022, 08:30

Bằng lái xe các loại được rao bán từ 1,3 đến 5 triệu đồng và được tăng độ "uy tín" bằng hướng dẫn tra cứu trên trang giả mạo Báo Giao thông.

Lập website giả mạo có phần mềm tra cứu giấy phép lái xe

Ngày 5/8, Báo Giao thông nhận được phản ánh từ anh Lữ Hồng Ron (sinh năm 1984, tại ấp Hoà Khánh, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) về việc xuất hiện một website có tên miền baogiaothongvn.com.

Website giả mạo Báo Giao thông có mục đích lừa đảo, cấp GPLX giả

Trao đổi với phóng viên, anh Ron cho biết, gần đây liên tục nhận được lời mời làm giấy phép lái xe (GPLX). Qua các bước xác nhận thông tin anh được những người tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn vào một website mang tên baogiaothongvn.com để kiểm tra số GPLX được cấp. Là bạn đọc thường xuyên của Báo Giao thông nên anh thấy đường link này không trùng khớp với địa chỉ tên miền chính thức của Báo Giao thông.

Sau khi gọi điện trao đổi qua đường dây nóng của Báo Giao thông và được khẳng định website trên là giả mạo, anh Ron mới biết đây là một chiêu trò của các đối tượng chuyên làm GPLX giả.

“Có một người tự xưng tên Vân (tài khoản zalo Vân Nguyễn, số điện thoại 0984472245) liên hệ với tôi hỏi xem có nhu cầu cấp GPLX hay không. Họ gợi ý chỉ cần nộp 1,3 triệu đồng là sẽ có GPLX hạng A1 chuẩn do cơ quan nhà nước cấp và sẽ được gửi về tận nhà.

Để khách hàng tin đây là GPLX được cơ quan quản lý cấp chính thức, họ chỉ dẫn tôi truy cập vào website có tên miền baogiaothongvn.com sau đó vào đường link https://tcgplxgov.vn/ được gắn trên website để tra cứu số GPLX…”, anh Ron cho biết.

Qua số điện thoại và tài khoản zalo do anh Ron cung cấp, phóng viên đã nhập vai người có nhu cầu cấp GPLX để xác minh thông tin.

Khi truy cập vào website có tên miền baogiaothongvn.com, phóng viên nhận thấy website giả mạo này ngang nhiên đánh cắp, sử dụng măng sét và thông tin toà soạn của Báo Giao thông (số 2 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội).

Ngày 8/8/2022, qua số điện thoại và tài khoản zalo được cung cấp, phóng viên đã liên lạc với người có tài khoản zalo Vân Nguyễn. Đúng như phản ánh, người này xác nhận thông tin nhận làm dịch vụ cấp GPLX mà không cần học và thi sát hạch. Khi được phóng viên đề xuất cấp GPLX hạng B2, tài khoản zalo này cho biết, khách hàng không cần học, chỉ cần có hồ sơ và người của trung tâm sẽ đứng tên để đi thi sát hạch thay.

Đặc biệt tài khoản zalo tên Vân Nguyễn có số điện thoại 0984472245 khẳng định như đinh đóng cột, bằng lái hoàn toàn hợp pháp, có đầy đủ chứng từ, hồ sơ gốc, gồm: kết quả thi sát hạch, chứng chỉ nghề và giấy khám sức khoẻ…

“Anh chỉ cần cung cấp ảnh, số căn cước công dân (hoặc CMTND) hai mặt rồi gửi hồ sơ qua zalo. Bên em sẽ lên hồ sơ, hoàn thiện thủ tục và cử người sát hạch thay cho anh. Sau khi có bằng, bên em sẽ gửi cho anh và thu tiền qua người giao hàng”.

Ảnh đại diện trên tài khoản zalo Vân Nguyễn

Để khách tin tưởng, người này hướng dẫn cách kiểm tra tính “hợp pháp” của GPLX qua một đoạn video clip chỉ cách tra cứu bằng cách quét mã QR GPLX bằng phần mềm zalo. Sau khi mã QR hiện lên số GPLX thì copy số GPLX dán lên tin nhắn điện thoại sẽ thấy các thông tin đầy đủ của chủ nhân GPLX. Trong đoạn clip này, người hướng dẫn cho biết: “Do zalo cập nhật phiên bản nên khi quét mã số QR không hiện thông tin tên tuổi như trước nên phải copy - pase ra tin nhắn điện thoại mới hiện đủ thông tin…”.

Tiếp sau đó người này gửi thêm đường link https://tcgplxgov.vn/ để tra cứu số giấy phép lái xe được trung tâm này cấp. Đây cũng chính là đường link được gắn trên trang giả mạo Báo Giao thông.

Giả danh nhân viên trung tâm sát hạch lái xe

Trong vai một người có nhu cầu cấp GPLX hạng A1, phóng viên Báo Giao thông tiếp tục được tài khoản zalo Vân Nguyễn chốt giá 1,3 triệu đồng với cam kết có đầy đủ hồ sơ gốc và bằng lái có quét mã QR.

Khi phóng viên bày tỏ muốn trực tiếp đến trung tâm để nộp hồ sơ đăng ký thì bị từ chối với lý do “làm dịch vụ nên chỉ nhận hồ sơ online”.

“Đi học thì mất phí đào tạo, còn không đi học thì trừ chi phí đào tạo nên giá sẽ rẻ hơn vì chỉ lấy phí hồ sơ và phí dịch vụ thôi”, tài khoản Vân Nguyễn cho biết.

Tuy nhiên để thúc giục khách chịu "chốt đơn" trả tiền, cuối cùng người này cũng cung cấp địa chỉ là Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát số 271 Đường Số 1, phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, quận Bình Tân, TP.HCM. Nhưng vẫn nhất quyết cho biết chỉ nhận hồ sơ đăng ký online.

Theo địa chỉ, phóng viên tìm đến Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hiệp Phát. Khi liên hệ tìm gặp người phụ nữ tên Vân (tài khoản zalo Vân Nguyễn, cùng hình ảnh), bảo vệ, giáo viên dạy lái xe và nhân viên phòng tuyển sinh đều không biết người này là ai. Tất cả đều khẳng định trung tâm không có ai tên Vân như miêu tả.

Tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hiệp Phát, nhân viên phòng tuyển sinh cũng cho biết, trung tâm không tổ chức thi GPLX hạng A1, chỉ tổ chức thi GPLX ô tô. Giá trọn gói học và thi lái xe ô tô hạng B2 là 19,4 triệu đồng, việc học và thi theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Mạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hiệp Phát cũng khẳng định tại trung tâm không có cán bộ, nhân viên nào như trên.

Ông Mạnh cũng thông tin, đã biết có trường hợp mạo danh trung tâm như trên để lừa đảo bán GPLX giả. Trung tâm đã cho người truy tìm nhưng không tìm ra tung tích.

Địa chỉ mà tài khoản zalo Vân Nguyễn cung cấp là Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hiệp Phát nhưng các nhân viên tại đây đều không biết người này là ai

Từ đây có thể khẳng định tài khoản zalo Vân Nguyễn (có ảnh đại diện là một phụ nữ mặc áo trắng, tóc ngắn) đã giả mạo Báo Giao thông và Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hiệp Phát để lừa cấp bằng lái xe giả.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ VN) khẳng định, hiện tại Tổng cục Đường bộ VN chỉ có duy nhất trang tra cứu thông tin GPLX có địa chỉ https://www.gplx.gov.vn. Ông Thống cho biết, đây là một hành vi lừa đảo tinh vi cần phải báo cáo các cơ quan chức năng xử lý.

Ban Biên tập Báo Giao thông khẳng định, Báo Giao thông chỉ có một tên miền duy nhất: http://www.baogiaothong.vn. Ban Biên tập Báo Giao thông sẽ đề nghị các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, điều tra và xử lý nghiêm hành vi xâm phạm bản quyền và lừa đảo trong việc cấp GPLX giả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.