Lợi dụng kiểu dáng tương đồng, khá nhiều xe máy điện được "gắn mác" xe đạp điện để tránh sự quản lý - Ảnh minh họa. |
Trong khi, người tiêu dùng còn rất mơ hồ và tỏ rõ sự lo lắng trước quy định, bắt buộc đăng ký biển kiểm soát (BKS) xe máy điện có hiệu lực từ ngày 1/6, thì nhiều “nhà buôn” loại hình xe này lại khá bình thản và coi đó chỉ là “chuyện vặt”.
Không “nao núng” trước Thông tư 15/2014/TT-BCA (Bộ Công an), nhiều “nhà buôn” đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó với các cơ quan chức năng, mà theo họ là để “hỗ trợ người tiêu dùng không gặp trở ngại trước những quy định phức tạp”.
Mặc dù, thị trường xe máy điện trong những ngày qua đang có dấu hiệu suy giảm, nhưng qua khảo sát, hầu hết các đơn vị kinh doanh mặt hàng này vẫn khá tự tin khi cho rằng, chỉ cần một đến hai tuần là mọi chuyện sẽ quay trở lại “quỹ đạo” ban đầu.
Trao đổi với PV Báo Giao Thông, ông K.H.M người nhiều năm kinh doanh xe máy điện và xe đạp điện cho rằng quy định mới trong thời gian đầu chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và sức mua chung của thị trường, nhưng về cơ bản, doanh nghiệp sẽ vẫn nhập khẩu xe máy điện với số lượng bình thường như trước đây.
Tuy nhiên, theo ông K.H.M, thay vì nhập khẩu cân bằng hai loại kiểu dáng như hiện có, doanh nghiệp sẽ nâng số lượng xe có ngoại hình giống xe đạp điện, và giảm chủng loại ít có khả năng chỉnh biến, ở những lô xe nhập khẩu sau này.
Dù kiểu dáng thế nào, xe vẫn đảm bảo giữ nguyên các yếu tố chính gồm công suất tối đa 4 kW và vận tốc không quá 50 km/giờ, để không gây “thất vọng” cho người tiêu dùng về khả năng vận hành mà vẫn đáp ứng đủ các yêu cầu trong thủ tục nhập khẩu. Khi thông quan, những mẫu xe này vẫn đàng hoàng là xe máy điện. Tuy nhiên, tới khâu đăng kiểm, xe lại được phù phép để giả dạng xe đạp điện và chỉ trở lại nguyên hình sau khi đã tới tay người tiêu dùng.
Trích dẫn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện theo Thông tư số 39/2013/TT-BGTVT (Bộ Giao thông vận tải), ông chỉ ra những đặc điểm có thể "khai thác" liên quan đến xe đạp điện như cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, công suất động cơ không lớn hơn 250W, vận tốc tối đa 25 km/giờ và khối lượng cả ắc quy không vượt quá 40 kg.
Cụ thể, trước khi đi đăng kiểm cho lô hàng mới, xe máy điện sẽ được lắp thêm bàn đạp, điều chỉnh giới hạn tốc độ và đổi ắc-quy có trọng lượng nhẹ hoặc đặt hàng nhà sản xuất cắt giảm vật liệu cho khung xe nhẹ hơn. Đồng hồ công-tơ-mét cũng bị tháo bỏ.
Nếu “lọt qua cửa” đăng kiểm, nghiễm nhiên xe máy điện sẽ “mang thân phận” của xe đạp điện và không cần quan tâm đến việc đăng ký BKS, cũng như các loại hóa đơn liên quan. Còn khi đến tay người tiêu dùng, chiếc xe sẽ trở lại nguyên trạng là xe máy điện, nhưng “thẻ căn cước” lại là xe đạp điện.
Trong vai khách hàng tìm mua xe máy điện tại 3 cửa hàng trên phố Huế (Hà Nội), PV Báo Giao thông không khỏi bất ngờ trước sự tư vấn của người bán hàng. Giải đáp những băn khoăn của phóng viên về thủ tục làm BKS, cả 3 cùng đưa ra lời khuyên nên lựa chọn xe máy điện có kiểu dáng tương tự xe đạp điện để khỏi phải đăng ký, đồng thời nhiệt tình đưa ra một số “chỉ dẫn” nhằm đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông trong trường hợp “không may” bị kiểm tra.
Kỳ tới: Ẩn họa xe máy điện “khoác áo” xe đạp điện
Phúc Lâm
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận