Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, lộ trình chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam đã được phê duyệt với những mục tiêu, thời hạn cụ thể. Vấn đề đặt ra là cần giải quyết những thách thức gì và bằng giải pháp nào?
Phát triển hạ tầng trạm sạc được coi là yếu tố quyết định đến sự phát triển của ô tô điện
CẦN CÓ CHÍNH SÁCH TỔNG THỂ CHO XE ĐIỆN
Ông Đậu Quang Huy, Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM):
Cần chính sách khuyến khích người dân sử dụng
Xe máy điện là xu thế tất yếu nhưng việc chuyển đổi sang xe điện vẫn còn gặp một số khó khăn. Thứ nhất, do kết cấu của xe máy điện nhỏ hơn ô tô điện nên dung lượng pin không được cao.
Vì vậy, xe máy điện vẫn có quãng đường di chuyển ngắn, chỉ từ 60 – 80km. Có một số dòng xe máy điện dung lượng pin cao hơn nhưng giá thành lại rất cao. Đó là thách thức với các nhà sản xuất để làm sao giảm giá thành, dễ tiếp cận hơn với người dân.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng cho xe điện như: Trạm sạc, trạm đổi pin, cơ sở tái chế vẫn đang thiếu. Tất cả các cơ sở tái chế tại Việt Nam chưa tái chế được pin lithium của xe điện nên đều phải xuất sang nước ngoài, chi phí cũng rất lớn cho doanh nghiệp.
Một hạn chế nữa là xe máy điện có thời gian sạc khoảng từ 4 – 6 tiếng, so với việc đổ xăng chỉ từ 3 – 5 phút. Chính vì thế, cũng gây ra sự bất tiện với người tiêu dùng.
Liên quan đến vòng đời sản phẩm, xe máy điện tại Việt Nam hiện chủ yếu có nguồn gốc là xe Trung Quốc, giá rẻ nên vòng đời sản phẩm chỉ từ 3 – 5 năm, so với xe xăng từ 10 – 20 năm trở lên. Đấy cũng là điểm bất tiện với người sử dụng xe điện hiện nay.
Để thúc đẩy phát triển xe máy điện tại Việt Nam, theo VAMM, Chính phủ cần có quy định về pin, trạm sạc, trạm đổi pin, cơ sở tái chế phù hợp với các quy định quốc tế để các doanh nghiệp có thể sản xuất xe điện phù hợp quy định quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ như ưu đãi nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho sản xuất xe máy điện. Tiếp đến là phát triển hệ thống trạm sạc, cơ sở tái chế để việc chuyển đổi sang xe điện phù hợp và thuận lợi nhất…
Hiện, hệ thống pin của mỗi doanh nghiệp có tiêu chuẩn khác nhau. Chính vì vậy, 5 doanh nghiệp VAMM đang nghiên cứu tiêu chuẩn chung cho cả 5 hãng. Tiến tới sau này người dân mua xe khi đến trạm đổi pin có thể đổi pin cho nhau.
Việc đó có thể giải quyết được bài toán quãng đường di chuyển và thời gian sạc thay vì phải đợi 4 – 6 tiếng để sạc. Việc đổi pin rất đơn giản giống như ở Đài Loan, được coi như giải pháp hữu hiệu khắc phục những điểm thiếu sót của xe điện.
Tôi tin xe máy điện là phương tiện di chuyển trong tương lai nên chắc chắn trong thời gian ngắn sắp tới, nếu Chính phủ có những lộ trình phù hợp, chính sách ưu đãi phù hợp, các doanh nghiệp có những công nghệ pin phát triển, tốt hơn trong tương lai thì tôi nghĩ xe máy điện sẽ phát triển rất mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Thành Công, Trường Đại học GTVT:
Thị trường xe điện đầy tiềm năng
Như chúng ta thấy, hiện nay nhiều hãng xe ô tô đã và đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất hoặc nhập khẩu xe ô tô điện cho thị trường Việt Nam.
Cụ thể như VinFast hay Forsche đã có những mẫu xe điện được sản xuất và bán tại Việt Nam. Hyundai Thành Công cũng đã có những động thái giới thiệu mẫu xe ô tô điện IONIQ 5... Như vậy, các hãng xe đều đã nhận thấy thị trường xe điện tại Việt Nam đầy tiềm năng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng cho việc sạc điện của xe điện cũng đang được một số đơn vị đầu tư xây dựng.
Để xe điện phát triển thuận lợi tại Việt Nam cần có bài toán tổng thể. Trong đó, Nhà nước cần xây dựng những chính sách phù hợp để khuyến khích người dùng sử dụng xe điện dần thay thế cho xe dùng động cơ đốt trong cũng như khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe điện, đầu tư kết cấu hạ tầng…
TS. Trần Trọng Tuấn, Phó trưởng Bộ môn ô tô (Đại học Công nghệ GTVT):
Khuyến khích sản xuất, lắp ráp ô tô điện
Thị trường xe điện ở Việt Nam hiện đang rất sôi động và có sự cạnh tranh giữa các thương hiệu nhập khẩu và thương hiệu trong nước. Đây là cơ hội lớn cho sự phát triển xe điện trong tương lai.
Để thúc đẩy việc phát triển xe điện ở Việt Nam rất cần các nhóm giải pháp đồng bộ từ chính sách đến quy hoạch phát triển chung và những ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu xe điện như: Khuyến khích đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc, hệ thống xe buýt công cộng chạy điện; Các chính sách giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ đối với xe điện; Xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện; Xây dựng các chính sách miễn thuế, phí, không hạn chế vùng hoạt động của xe điện tại các vùng yêu cầu phương tiện có mức phát thải thấp hoặc cấm xe lắp động cơ đốt trong; Quy hoạch lưới điện, hạ tầng trạm sạc phù hợp với khả năng truyền tải điện; Xây dựng các Tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến pin, trạm sạc và tiêu chuẩn liên quan đến xe điện.
Bên cạnh đó, cần có các quy định nhằm gắn vai trò, nhiệm vụ của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và nhập khẩu ô tô trong việc thu hồi và tái chế pin xe điện sau khi sử dụng.
Các chính sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp xe điện sẽ giúp giá thành loại phương tiện này rẻ hơn
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP):
Hỗ trợ thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam
Trên toàn cầu, ngày càng nhiều quốc gia đã cam kết loại bỏ động cơ đốt trong hoặc có các mục tiêu điện khí hóa phương tiện đầy tham vọng trong những thập kỷ tới.
Hiện UNDP, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, đang thực hiện Dự án “Thúc đẩy sự chuyển dịch bền vững hướng tới di động điện tử tại Việt Nam”. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính bằng cách tăng cường hệ sinh thái cho phát triển giao thông xanh và di chuyển điện tử ở cấp quốc gia.
Ở cấp quốc gia, dự án tập trung vào việc xây dựng chính sách, bao gồm chương trình đào tạo về xe điện và giao thông xanh, hỗ trợ chuẩn bị và áp dụng 3 tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng thu phí và cung cấp đầu vào cho Chương trình quốc gia về phát triển giao thông công cộng đường bộ xanh và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc đối thoại và hội thảo về chính sách quốc gia về di chuyển điện tử và các sự kiện truyền thông khác. Trong khi đó, các hoạt động thí điểm đang được triển khai tại thành phố Huế, bao gồm: Giới thiệu xe tải điện tử để thu gom rác thải, cung cấp các khoản vay ưu đãi để khuyến khích chuyển đổi xe điện và phát triển phương thức quản lý chia sẻ xe đạp/xe đạp điện.
Các hoạt động này sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy di chuyển điện tử và chuyển đổi năng lượng xanh cho ngành giao thông vận tải tại Việt Nam.
Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast:
Sớm hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn
Hiện, có những khó khăn khi thực hiện việc lắp đặt các trạm sạc xe điện. Đến nay, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm sạc vẫn còn thiếu.
Hiện, Bộ KH&CN mới chỉ ban hành khoảng 5 - 6 bộ tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc nên VinFast đang phải áp dụng các tiêu chuẩn của mình hoặc theo các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển trạm sạc một cách đồng bộ và nhanh hơn ở các địa phương.
Không giống xe máy điện, ô tô điện phải có độ phủ sóng rộng khắp các địa phương do đó VinFast mong sẽ có những chính sách khuyến khích như: Thứ nhất, là các khuôn khổ pháp lý để các địa phương thống nhất tuân thủ theo; Thứ hai, là các chính sách hỗ trợ của quốc gia để giải quyết các vướng mắc trong việc lắp đặt trạm sạc, như các thủ tục về cấp phép, giải phóng mặt bằng; Thứ ba, cần đẩy mạnh các chương trình truyền thông để dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện, chuyển dần sang sử dụng xe điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận