Hỏi: Lọc gió động cơ ô tô của tôi bị bẩn khi tự tháo ra kiểm tra. Xin hỏi có thể làm sạch và sử dụng tiếp được không hay bắt buộc phải thay mới?
Lê Tuấn Minh (Thanh Xuân, Hà Nội)
Trả lời:
Lọc gió là một bộ phận có cấu tạo đơn giản nhưng có tầm quan trọng lớn đối với động cơ. Bộ phận này giúp bụi bẩn trong không khí lọt vào bên trong động cơ. Vì vậy, theo thời gian, lọc gió cũng sẽ bị bẩn dần do bám nhiều bụi từ ngoài không khí, dẫn đến hiện tượng xe bị giảm bớt công suất, bị nóng máy hoặc tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn. Ngoài ra, nếu để lọc gió quá bẩn có thể xuất hiện muội than trong buồng đốt hoặc nếu bụi lọt qua nhiều có thể khiến cảm biến lưu lượng khí nạp nhận biết sai, cung cấp nhiên liệu không chính xác cho động cơ.
Tuy vậy, bộ phận này cũng có thể được vệ sinh để sử dụng lại chứ không phải thay mới nếu bị bẩn mà chưa tới thời điểm thay thế định kỳ. Theo khuyến cáo của hầu hết các nhà sản xuất, nên vệ sinh lọc gió cứ 5.000km/ lần và thay mới sau mỗi 20.000km. Tuy nhiên, nếu xe hoạt động trong môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, nên vệ sinh lọc gió sớm hơn, có thể 4.000km một lần và thay mới sau khoảng 15.000km. Trường hợp lọc gió bị rách, ẩm hay khó vệ sinh thì nên thay mới.
Người sử dụng có thể tự kiểm tra để vệ sinh hoặc thay mới bởi lọc gió động cơ rất dễ tháo lắp. Trong vệ sinh bộ phận này, có thể gõ hoặc dùng máy xịt khí để thổi bụi bẩn ở các khe của tấm lọc. Lưu ý không được làm rách màng lọc hay để nước lọt vào bởi như vậy sẽ làm hỏng bộ phận này và phải thay thế dù chưa đến mức phải thay. Còn nếu đã vệ sinh nhiều lần, lọc gió động cơ đã quá bẩn hoặc đến kỳ thay thế thì nên thay lọc gió mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận