Theo Paultan, cháy xe điện rất hiếm xảy ra. Nhưng khi xảy ra, thách thức dập lửa lớn hơn so với xe động cơ đốt trong thông thường. Trong đó, hiện tượng thoát nhiệt là một trong những mối lo ngại chính. Có nhiều giải pháp để giải quyết và một trong số đó là sử dụng chăn chữa cháy để kiểm soát tình hình.
Việc sử dụng chăn chữa cháy xe điện thực tế là bắt buộc theo hướng dẫn về trạm sạc xe điện tại nước này. Chính quyền và các bên liên quan cần tuân thủ, lên kế hoạch khi thiết kế và xây dựng các trạm sạc.
Hướng dẫn cho biết, tùy vào số lượng khoang sạc, số lượng chăn chữa cháy yêu cầu sẽ khác nhau. Nếu có một khoang sạc chỉ cần một chăn chữa cháy. Nhưng nếu có từ 11-15 khoang thì cần ba chiếc chăn này.
Tuy nhiên, để được công nhận là chăn chữa cháy đạt tiêu chuẩn, có thể sử dụng cần phải tuân thủ các quy định kỹ thuật. Viện nghiên cứu công nghiệp và tiêu chuẩn Malaysia đã công bố dịch vụ thử nghiệm và chứng nhận chăn chữa cháy cho xe điện để đáp ứng các quy định kỹ thuật. Chứng nhận này được cơ quan cứu hỏa và cứu hộ Malaysia công nhận.
Đồng thời, điều này thể hiện cam kết của Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), các cơ quan trong việc đảm bảo an toàn cho người sử dụng xe điện.
"Dù xác suất xe điện bắt lửa thấp hơn nhiều so với phương tiện thông thường nhưng chúng ta vẫn cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Như người ta vẫn nói, hãy chuẩn bị một chiếc ô trước khi trời mưa. Vì vậy, đối với chủ sở hữu xe điện cũng như chủ sở hữu trạm sạc xe điện, hãy đảm bảo rằng bạn có chăn chữa cháy. Quan trọng hơn, hãy đảm bảo có tem của Viện Nghiên cứu công nghiệp và tiêu chuẩn Malaysia trên chăn. Nếu chăn không có tem này thì đừng mua nó", Bộ trưởng MITI cho biết.
Về giá cả, tại Malaysia, tìm kiếm trên mạng cho thấy một chiếc chăn chữa cháy xe điện có dán tem bán với giá 4.500RM (hơn 23 triệu đồng). Giá bán này không hề rẻ, nhưng có thể là khoản tiền xứng đáng nếu người mua nghĩ tới công dụng của chiếc chăn nếu cần phải dập lửa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận