Các hãng hàng không ở Việt Nam có vài tuyến bay chặng rất ngắn (như Hà Nội - Vinh) khai thác chưa thật hiệu quả, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Ông Raul Villaron: Theo chúng tôi, mạng lưới bay tối ưu nhất là khi có nguồn cung đáp ứng vừa đủ nhu cầu. Hiện tại, các máy bay được sử dụng tại Việt Nam chủ yếu là máy bay cỡ lớn từ 180 ghế trở lên.
Dịch vụ hàng không cũng vì vậy tập trung khai thác những chặng bay chính (như chặng bay từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh, các tuyến bay đi Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang) để có thể tận dụng tối đa sức chứa của những loại máy bay cỡ lớn này.
Ông Raul Villaron - Phó Chủ tịch Embraer khu vực Châu Á Thái Bình Dương
Ngay cả trước thời điểm dịch bệnh Covid diễn ra, khoảng 50% số lượng chuyến bay nội địa và nội vùng có chưa tới 150 hành khách mỗi chuyến.
Từ đó cho thấy rằng dòng máy bay cỡ lớn đang có sức chứa quá lớn so với nhu cầu di chuyển chung, đặc biệt là các khu vực có mật độ bay từ thấp tới trung bình, gây ảnh hưởng tới doanh thu của các hãng hàng không.
Do vậy, sức chứa của loại máy bay phản lực dân dụng cỡ nhỏ (như dòng E-Jets của Embraer với khoảng từ 70 đến 150 chỗ) là hoàn toàn phù hợp trong việc kết nối các thành phố lớn với các địa phương có nhu cầu bay thấp tới trung bình ở thị trường Việt Nam, hay rộng hơn là kết nối với các quốc gia lân cận như Trung Quốc hoặc các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Với dòng máy bay phản lực dân dụng cỡ nhỏ, các hãng hàng không có thể khai thác với tần suất bay linh hoạt, khắc phục được vấn đề hiện thời của Việt Nam.
Trên hết, việc mở rộng kết nối hàng không tới nhiều hơn các điểm đến trong nước và trong khu vực sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với dân số khoảng 100 triệu dân, Việt Nam cần cải thiện năng lực ngành hành không để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không để theo đúng mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,4%/năm giai đoạn 2021 - 2030.
Embraer dự đoán mức tăng trưởng lưu lượng hàng không nội địa hàng năm, bao gồm các chuyến đi và đến Việt Nam, sẽ vào khoảng 12%/năm trong vòng 10 năm tới.
Đây cũng là tỷ lệ tăng trưởng kép theo năm cao nhất Đông Nam Á của ngành hàng không.
Ông Arjan Meijer - Giám đốc Thương mại và Điều hành Embraer (bên trái) và ông Raul Villaron - Phó Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn Embraer (bên phải). Ảnh: AIN
Các hãng hàng không nên làm gì để ngành du lịch tận dụng tối đa những điểm đến rất hấp dẫn nhưng chỉ có sân bay quy mô nhỏ?
Ông Raul Villaron: Dòng E-Jets của Embraer là dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu, có thể sử dụng tốt trên cả những sân bay có đường băng ngắn và đặc thù.
Trong đó, tàu bay E-Jets mới nhất của chúng tôi - Embraer E190-E2, vừa có chuyến bay thử tại Việt Nam vào tháng 4 vừa qua.
Ứng dụng các tàu bay E-Jets là giải pháp hiệu quả cho các hãng hàng không để không bị phụ thuộc vào quá trình trùng tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cảng hàng không, bởi sức chứa của máy bay phản lực dân dụng cỡ nhỏ vốn rất phù hợp với những đặc điểm hiện tại của các sân bay.
Ngoài ra, máy bay phản lực dân dụng loại nhỏ cũng đảm bảo tốt yếu tố tốc độ di chuyển và sự thoải mái cho hành khách.
Bay tới các sân bay nhỏ như Côn Đảo và Điện Biên Phủ, dòng máy bay của Embraer giúp hãng hàng không tối ưu hiệu suất và chi phí như thế nào?
Ông Raul Villaron: Theo chúng tôi, Việt Nam đang có một thị trường hàng không sôi động với nhiều tiềm năng phát triển nhờ có nền kinh tế vững vàng và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ.
Vì vậy, chúng tôi tin việc khai thác du lịch cùng các chặng bay nội địa chính là chìa khóa để ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng.
Trong thời kỳ bùng phát dịch trước đây, Việt Nam chủ yếu khai thác các chặng bay nội địa do việc di chuyển quốc tế gặp nhiều hạn chế.
Do đó, số lượng chuyến bay nội địa trong 6 tháng đầu năm 2021 có sự vượt trội hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Với công suất mạnh mẽ, máy bay E-Jets đã cho phép Bamboo Airways khai thác đường bay thẳng từ Hà Nội ra Côn Đảo, tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách so với các chặng bay trước đây cần trung chuyển tại TP. Hồ Chí Minh.
Máy bay phản lực dân dụng cỡ nhỏ cũng đã được đưa vào sử dụng trong các chặng bay từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bay tới Điện Biên, và là một nâng cấp lớn so với dòng máy bay phản lực cánh quạt được khai thác trước đây.
Tàu bay Embraer-E190E2 hạ cánh xuống sân bay Côn Đảo trong chuyến bay thử nghiệm tháng 4/2022
Ngoài ra, tàu bay E-Jets của Embraer cũng được các hãng hàng không trên toàn thế giới đưa vào sử dụng và cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện mạng lưới hàng không cũng như khai thác được thêm nhiều chặng bay cho hãng.
Một số các hãng hàng không nổi bật sử dụng tàu bay của Embraer có thể kể đến như KLM, Lufthansa và các hãng vận chuyển lớn của Hoa Kỳ, hoặc Tianjin Airlines, Japan Airlines và Qantas.
Trong quá trình hợp tác cùng hơn 80 hãng hàng không trên 50 quốc gia, chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp khai thác cùng một tàu bay lên đến 8 lần một ngày, cho thấy độ ổn định về hiệu suất của một chiếc E-Jets.
Theo khảo sát của chúng tôi tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, dòng E-Jets có hiệu suất sử dụng rất độ ổn định, duy trì ở mức trung bình 99,97% trong 12 tháng sử dụng.
Ngoài tiềm năng khai thác các chặng bay nội địa, ông đánh giá Việt Nam còn các cơ hội nào nên được khai thác?
Ông Raul Villaron: Trong Sách Trắng “Tiềm năng kết nối hàng không của Việt Nam” mới được công bố gần đây, chúng tôi có dự đoán những tiến triển trong thị trường hàng không Việt Nam và nhận thấy rằng có nhiều cơ hội để Việt Nam phát triển mạng lưới hàng không của mình.
Máy bay Embraer sẽ giúp hàng không Việt Nam mở thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, không chỉ trong nội địa mà còn vươn ra khu vực.
Cụ thể, với các nước láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Thái Lan và Indonesia, dư địa để hàng không Việt Nam kết nối với các điểm đến này là rất lớn.
Tàu bay Embraer-E190E2 đáp xuống sân bay Nội Bài trong lần bay thử tại Việt Nam
Theo ông, một mạng lưới hàng không tối ưu và bền vững cần có những đặc điểm và khả năng gì?
Ông Raul Villaron: Để kịp thời thích nghi với nhu cầu của thị trường, chúng tôi cho rằng mạng lưới đường bay thương mại cần có đủ sự bền bỉ, linh hoạt, cùng với đó là hệ thống đội bay với sức chứa đa dạng để tối ưu hiệu quả.
Đặc biệt từ sau đại dịch Covid thay đổi quan điểm và nhu cầu của hành khách du lịch, vậy nên một hệ thống đội bay chỉ bao gồm những máy bay thân hẹp cỡ lớn sẽ không phù hợp trong bối cảnh hiện thời.
Với một hệ thống đội bay đa dạng, đối với những chuyến bay mang tính chất đặc thù và chiến lược tới những điểm đến với nhu cầu bay thấp, máy bay phản lực dân dụng cỡ nhỏ sẽ là giải pháp hoàn hảo cho một kế hoạch bay linh động.
Đồng thời, tùy thuộc vào tình hình, các hãng hàng không còn có thể nâng cao hiệu suất bằng việc tăng thêm số lượng chuyến bay hoặc phối hợp sử dụng các dòng máy bay cỡ lớn.
Việc đa dạng hoá hệ thống đội bay cũng như đa dạng số lượng ghế sẽ giúp các hãng hàng không thích nghi với những thay đổi về nhu cầu của thị trường nhờ khả năng chủ động điều chỉnh sức chứa một cách linh hoạt.
Cuối cùng, giá nhiên liệu cũng là một yếu tố then chốt mà các hãng hàng không cần lưu ý.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao như hiện tại, thì việc các hãng hàng không cần quản lý chi phí vận hành sao cho tiết kiệm nhiên liệu cũng là rất quan trọng.
Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn Báo Giao thông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận