Miễn giảm thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước sẽ tạo động lực và cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô trong nước |
Bộ Tài chính mới đây đã phản hồi kiến nghị của Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam (VAMI), Công ty Hyundai Thành Công… liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế nhập khẩu với linh kiện ô tô.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết đang xem xét và báo cáo Chính phủ về việc miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Qua đó nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.
Đối với kiến nghị miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết: "Theo danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư thì ngành nghề sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; ngành nghề sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư. Do đó Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu phương án xử lý, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định".
Theo đánh giá, nếu các chủ trương trên đi vào thực tế sẽ hỗ trợ rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong việc bảo hộ ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước. Lý do là hiện nay các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam phải đóng mức thuế nhập khẩu linh kiện khá cao 15%-25% tùy loại linh kiện. Đây là một trong những lý do khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.
Điều chỉnh 2 loại thuế phí trong lĩnh vực ô tô sẽ giúp giá xe sản xuất trong nước có cơ hội giảm sâu |
Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện Công ty Ô tô Hyundai Thành Công (HTC) cho biết, miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước đối với sản phẩm ô tô đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như: Malaysia, Indonesia... áp dụng từ khá lâu. Mục tiêu là nhằm khuyến khích các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu ra để có mức giá bán cạnh tranh.
Cũng theo đại diện HTC: "Hiện tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô tại Việt Nam còn khá thấp chỉ từ 12-18% và chủ yếu nằm ở các hạng mục đơn giản như: còi, đèn, lốp, ắc quy.... Tuy nhiên, trong những tháng tới HTC sẽ cố gắng đưa được nội địa hóa tiếp tục tăng lên, dự kiến đạt 30% vào cuối năm nay, trước khi chạm mốc 40% trong nửa đầu năm 2019 đối với mẫu Accent. Đây cũng chính là tỉ lệ nội địa hóa để được miễn giảm thuế nhập khẩu giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN".
Ngoài các ưu đãi cụ thể cho những nhà sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, nhiều chuyên gia trong ngành còn cho rằng cần có thêm các chính sách để khuyến khích cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Nền công nghiệp ô tô trong nước chỉ có thể phát triển tốt nhất khi có một nền công nghiệp phụ trợ phát triển tương đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận