Khó cấm xe máy thì có thể chuyển sang xe điện
Tình hình ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép, có thể tác động xấu đến sức khỏe con người, trong đó có nguồn phát thải chính từ phương tiện giao thông. Trao đổi với Báo Giao thông, đa số ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, xu hướng tất yếu là chuyển dịch sang xe chạy điện. Việc sử dụng xe điện không chỉ thể hiện sự văn minh mà đã đến lúc xem là việc sống còn để bảo vệ môi trường sống của chính mình và cộng đồng.
Theo PGS. TS Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ (ĐH Bách khoa Hà Nội), xe điện tại Việt Nam trong tương lai sẽ là xu hướng tất yếu: “Việt Nam là xã hội phụ thuộc rất nhiều vào xe máy nên việc bỏ xe máy là điều khó khăn. Ví dụ như các ngõ ngách không thuận tiện cho việc đi ô tô thì xe máy lại làm được điều này và nhiều người thích sự cơ động của xe máy. Có chăng sẽ chỉ bỏ xe máy chạy xăng truyền thống và thay bằng xe máy điện. Vì thế, thị trường xe máy điện tại Việt Nam rất tiềm năng và khổng lồ”.
Còn theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nguồn gây ô nhiễm chính tại các đô thị hiện nay là phương tiện giao thông, trong đó xe máy là nguồn phát thải lớn nhất. “Hiện nay, số lượng xe máy tại Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới. Đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số lượng xe máy gần đứng đầu, lần lượt 4,5 và 7 triệu chiếc. Ngoài ra, giao thông công cộng chưa phát triển, việc sử dụng xăng sinh học còn gặp nhiều khó khăn nên xe điện sẽ là một giải pháp thay thế khả dĩ nhất”.
Tại một hội thảo về xu hướng phát triển công nghệ phương tiện giao thông mới đây, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cũng cho rằng, với sự tiện dụng của xe máy thì trong 30-40 năm nữa, Việt Nam sẽ vẫn còn xe máy và tư duy cấm xe máy ở thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ khó thực hiện. Vì thế giải pháp thay thế bằng sử dụng xe máy điện là hướng đi đúng, rất nên ủng hộ bằng các ưu đãi về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xe điện để môi trường khí thở tại Việt Nam tốt hơn. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân sử dụng loại phương tiện này một cách thuận lợi, an toàn.
Xe điện có thể xem là giải pháp lâu bền khi tình trạng ô nhiễm gia tăng. Dù xe điện vẫn còn những hạn chế về quãng đường, hệ thống trạm sạc ắc quy nhưng hy vọng các doanh nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề này, PGS.TS Phạm Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu động cơ, nhiên liệu và khí thải (Đại học Bách khoa Hà Nội)
Cần một lộ trình thay thế động cơ xăng, dầu
Theo ông Nguyễn Đông Phong, Q. Giám đốc Trung tâm kiểm soát khí thải (Cục Đăng kiểm Việt Nam), việc sử dụng xe dùng nhiên liệu sạch nói chung, xe điện nói riêng là điều nên khuyến khích. Xe điện không phát thải trực tiếp ra môi trường các khi độc hại (CO, HC, NOX…) ảnh hưởng đến sức khỏe cho con người như xe lắp động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
“Trên toàn cầu đang có xu hướng rất lớn phát triển xe điện, xe tự lái, xe sử dụng năng lượng sạch. Đã có nhiều nước tuyên bố lộ trình không nghiên cứu phát triển tiếp các động cơ đốt trong truyền thống trên xe hơi nữa. Việc phát triển xe máy điện hay xe máy nói chung cũng cần cân nhắc xu hướng của thế giới. Tại các nước phát triển thường không khuyến khích phát triển xe máy chạy xăng/dầu vì vấn đề ô nhiễm môi trường”.
Tuy nhiên theo ông Phong, khi xây dựng lộ trình sử dụng xe điện sẽ cần chú ý giải quyết hai vấn đề cơ bản là an toàn về cháy nổ và xử lý rác thải ắc quy, pin. “Theo kinh nghiệm ở một số nước, họ quản lý rất chặt chẽ đối với ắc-quy, pin thải đi. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi lại các ắc-quy, pin không còn sử dụng để xử lý tập trung theo quy định”.
Cuối cùng theo ông Phong, cần có các chính sách khuyến khích sử dụng xe điện như: Ưu đãi giảm thuế, phí; Hỗ trợ về tài chính (giá, thuế…) để đổi các xe sử dụng nhiên liệu truyền thống sang xe nhiên liệu sạch. Bên cạnh đó cần tăng cường truyền thông để thay đổi thói quen sử dụng phương tiện xăng dầu của người dân…
Tương tự, TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện nay những bước đi như VinFast trong việc sản xuất xe máy, ô tô điện là phù hợp với xu thế chung, tức là chúng ta hướng tới một mô hình giao thông vận tải bền vững, giảm bớt những phương tiện có lượng phát thải cao, chẳng hạn như các phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch, xăng, dầu diesel rất độc. Khi chuyển sang phương tiện xe điện, phần phát thải sẽ giảm đi.
“Chúng ta cũng đã có những chủ trương chung về vấn đề này, chẳng hạn như các chính sách phát triển bền vững, trong đó có việc giảm CO2 cũng như giảm lượng phát thải rồi gia tăng an ninh về mặt năng lượng. Còn chủ trương cụ thể chuyển đổi hoặc phát triển những loại xe điện thì hiện nay Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia cùng với chương trình môi trường của Liên hợp quốc đang bắt đầu một nghiên cứu rất toàn diện và bài bản. Trong đó có giao cho 2 đơn vị trực tiếp triển khai là Đại học Công nghệ GTVT và Chương trình môi trường Liên hợp quốc để xem xét, đánh giá khi chuyển đổi từ các phương tiện sử dụng phương tiện hóa thạch sang phương tiện chạy điện để làm rõ những lợi ích và cần chuẩn bị những điều kiện gì”.
“Tôi nghĩ chúng ta đang trong giai đoạn nghiên cứu và chắc chắn 1-2 năm tới sẽ sớm có những sản phẩm cụ thể về phân tích đánh giá cũng như có những kiến nghị về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định pháp luật để thúc đẩy quá trình giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và phát triển phương thức vận tải thân thiện với môi trường hơn”, TS.Trần Hữu Minh cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận