Thông qua cầu vận chuyển hàng cứu trợ do Báo Giao thông và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) phối hợp thực hiện, mạnh thường quân đã chuyển được gạo, mì tôm tới nơi có người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Xúc động khi chở hàng cứu trợ
"Vâng, em đang đỗ ở bên kia cầu Nhật Tân, sẵn sàng chạy thẳng đi Tuyên Quang cho kịp...", đó là câu trả lời của tài xế Nguyễn Tuấn Vũ, người một mình điều khiển chiếc xe tải loại 24 tấn BKS 50H-096.07 từ Nam ra Bắc, trong cuộc điện thoại trao đổi thông tin với ông Đặng Văn Chung, Chủ tịch Chi hội Vận tải hàng STST (Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam).
Đúng 6h sáng 18/9, trong cơn mưa lất phất của Hà Nội sáng sớm, ông Chung, đại diện Cầu vận chuyển hàng cứu trợ vùng bão do Báo Giao thông cùng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp thực hiện, có mặt tại cầu Nhật Tân để đón chiếc xe chở hàng cứu trợ này.
Ông Chung cho biết, hàng trên xe là 5 tấn gạo và một số hàng hóa khác của một mạnh thường quân ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và họ nhờ ông "hộ tống" lên huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) trao cho người dân vùng lũ.
Sau một hành trình dài hàng nghìn cây số, anh Nguyễn Tuấn Vũ không hề tỏ ra mệt mỏi, trái lại như phấn chấn hơn bởi chuyến hàng cứu trợ sắp đến được với bà con vùng bão lũ. "Chạy xe chở hàng xuyên Việt nhiều rồi nhưng chuyến đi này thấy cứ lâng lâng xúc động, chỉ mong sớm nhất có thể để hàng cứu trợ đến kịp thời".
Trò chuyện dăm bảy phút, anh Tuấn Vũ hồ hởi đánh chiếc xe tải 24 tấn bắt đầu lăn bánh trên hành trình kéo dài gần 4 tiếng từ đầu cầu Nhật Tân tới Chiêm Hoá.
Cung đường phải đi qua trạm thu phí nhưng khi biết đây là chuyến xe chở hàng cứu trợ đến Tuyên Quang, cả chiếc xe 24 tấn đã được miễn phí qua trạm.
Anh Vũ tỏ ra khá ngạc nhiên. Bởi trong suốt hành trình hơn 2 ngày, gom gạo từ miền Tây, chạy ra TP. Hồ Chí Minh lấy mì tôm rồi đi một mạch ra Hà Nội vẫn phải trả phí bình thường. Nhưng khi ra tới Hà Nội, được căng băng-rôn hàng cứu trợ đến vùng bão đã được miễn phí. Anh Vũ tâm sự: "Dù tiền phí không nhiều nhưng lại như là một nguồn động viên. Rất có ý nghĩa...".
Cũng theo anh Vũ, cung đường từ Hà Nội đi Tuyên Quang đã chạy nhiều lần, trong đó cũng có một số chuyến chở hàng cứu trợ thời dịch Covid-19. Tuy nhiên, chuyến đi lần này phải cẩn thận hơn vì nghe bảo một số tỉnh miền Bắc xảy ra tình trạng sạt lở.
"Công ty cũng có vài xe chở hàng đi một số tỉnh bị lũ, lụt phía Bắc được 4 hôm chưa về nên trước khi đi mình cũng rất lo lắng. Nhưng sau khi nhận được hình ảnh có xe tải to lên được tới Chiêm Hoá cũng đã yên tâm hơn", anh Vũ nói thêm.
Dư gạo cứu trợ vì người dân góp thêm
Khoảng 10h30, xe tải đã an toàn tới địa điểm tiếp nhận hàng cứu trợ của huyện Chiêm Hoá từ các mạnh thường quân trên khắp cả nước. Từ đây, huyện sẽ sử dụng các xe tải nhỏ hơn để phân bổ lượng hàng cứu trợ tới từng gia đình, hoàn cảnh khó khăn.
Vừa tham gia vận chuyển hàng hóa từ xe tải xuống kho, ông Đặng Văn Chung cho biết, số gạo và mì tôm này được ông Trần Quốc Dũng và bà Vũ Thị Ngọc (số 232 Phan Đình Phùng, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) ủng hộ, sau khi biết tới thư kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
"Khi biết miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, vợ chồng ông Dũng và bà Ngọc đã chia sẻ rất muốn ủng hộ, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng nhưng không biết đầu mối nào để đóng góp, vận chuyển tới vùng cứu trợ. Khi biết thư kêu gọi của VATA và Báo Giao thông, vợ chồng ông Dũng và bà Ngọc ngay lập tức quyết định ủng hộ 5 tấn gạo loại ngon, 500 thùng mì tôm", ông Chung cho biết.
Với sự hỗ trợ từ các cán bộ huyện Chiêm Hoá, chỉ khoảng hơn 1 tiếng, toàn bộ số hàng đã được vận chuyển xong từ xe tải xuống kho. Kiểm đếm, tất cả mọi người đều bất ngờ khi có tổng cộng 208 bao gạo loại 25kg đã được ủng hỗ, tương ứng 5,2 tấn gạo, nhiều hơn 200kg so với thông báo từ mạnh thường quân.
"Chắc biết hàng cứu trợ người dân miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nên bên bán gạo họ đóng góp thêm nên mới thừa nhiều thế này", ông Chung cười nói.
Đoàn cùng cán bộ huyện Chiêm Hoá vận chuyển hàng từ xe tải xuống kho. Ảnh: Thanh Tùng
Đại diện UBND huyện Chiêm Hóa rất cảm kích tấm lòng của các mạnh thường quân. Đồng thời cũng cho biết tới nay đã có hơn 100 đoàn cứu trợ tới làm việc và gửi hàng hoá, hỗ trợ người dân các xã bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại huyện. Trước đó, huyện Chiêm Hoá có 6 xã bị ngập sâu, 8 xã mất điện và sóng di động nhưng đến nay nước đã rút, các xã cũng đã có điện và sóng di động bình thường. Mọi người đều đang cùng nhau chung tay góp sức khắc phục hậu quả, giúp người dân nhanh chóng ổn định, trở lại cuộc sống bình thường.
Kể từ khi phát động cầu vận chuyển hàng cứu trợ của Báo Giao thông và VATA từ ngày 12/9 đến nay, hàng chục chuyến xe vận chuyển hàng đã tới Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Tuyên Quang…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận