Cùng là chiếc Audi A1, nhưng với việc khai báo giá thấp và là hàng quà biếu, DN có thể “né” được cả trăm triệu đồng tiền thuế - Ảnh Autopro |
Gian lận hoá đơn, khai giảm phụ tùng hoặc nhập xe lỗi… là “chiêu” một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe áp dụng để giảm giá bán, cạnh tranh không lành mạnh.
Ngân sách thất thu hàng trăm tỷ đồng
Ngày 18/4/2015, Hải quan Hải Phòng làm thủ tục thông quan cho xe ô tô 5 chỗ hiệu Audi A1 sportback. Chiếc xe mới 100%, được sản xuất năm 2015, model 2016, dung tích 1.0 lít, màu đỏ, số tự động, động cơ xăng, tay lái thuận. Theo bản khai hải quan, xe được Công ty Cổ phần Thương mại H.P. nhập về theo hình thức quà biếu, quà tặng. Đáng chú ý, giá khai báo tại cửa khẩu để nộp thuế của chiếc xe chỉ là 10.000 USD (tương đương 223,3 triệu đồng). Trong khi đó, theo giá của hãng Audi Việt Nam nhập về, chiếc xe trên có giá khai báo hải quan 16.000 USD (tương đương 357,28 triệu đồng). Như vậy, giá khai báo hải quan tại cửa khẩu của Công ty H.P thấp hơn giá nhập khẩu chính hãng tới 6.000 USD. Chỉ tính riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, công ty đã “giảm” được hơn 60 triệu đồng cho chiếc xe này. Chưa kể, nếu nhập thương mại, chiếc xe Audi A1 này còn phải “gánh” thêm thuế nhập khẩu 250 triệu đồng (thuế suất nhập khẩu 70%).
Theo lý giải của một đại lý nhập khẩu xe, xe nhập dưới dạng quà biếu đặc biệt rộ lên trước thời điểm 1/7/2016, là nhằm “chạy” thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe sang (vì mức thuế tiêu thụ đặc biệt sau thời điểm 1/7 sẽ tăng mạnh). Còn với các dòng xe dung tích nhỏ như chiếc xe Audi A1 kể trên, việc nhập dưới hình thức quà biếu một là cách “chạy” quy định nhập khẩu của Thông tư 20/2011/TT-BCT (nếu nhập thương mại buộc phải có giấy ủy quyền); Đồng thời, nhằm giảm giá bán trong nước, cạnh tranh với xe nhập khẩu chính hãng. Lấy ví dụ chiếc xe kể trên, với việc khai báo hàng quà biếu, quà tặng và khai báo giá thấp, DN đã có thể “tiết kiệm” được hơn 300 triệu đồng tiền thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt. Nên nếu bán ra thị trường, chiếc xe này có cơ hội bán giá thấp hơn cả trăm triệu đồng so với xe cùng loại nhập khẩu chính hãng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm tới 1/7, tổng cộng đã có hơn 500 xe quà biếu ùn ùn nhập về. Nếu tính các loại thuế, phí, ngân sách đã thất thu hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng.
Lật tẩy các “chiêu” giảm giá
Theo tiết lộ của một nhân vật “có số má” trong làng nhập khẩu xe, để hạ giá bán xe, một số DN nhỏ thường mua từ một nước thứ ba (nhập khẩu song song). Cụ thể, DN A này lập ra công ty B ở nước thứ ba, công ty B này sẽ mua xe của đại lý nước sở tại, sau đó bán xe cho công ty A để chuyển về Việt Nam với giá ghi trong hóa đơn thấp hơn giá thực tế để giảm thuế, qua đó sẽ giảm được giá bán xe.
Một “chiêu” khác là gian lận hóa đơn. Đơn vị nhập khẩu có thể mua xe từ đại lý nước thứ ba nhưng tại cửa khẩu không khai đủ chi tiết, phụ kiện đi kèm để giá khai báo hải quan thấp. Chính vì thế, các xe này có thể “full option” (đầy đủ phụ kiện) nhưng giá bán tới tay khách hàng thấp hơn giá bán xe chính hãng do “ăn bớt” được một phần thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu...). “Khi cơ quan hải quan phát hiện gian lận thì sẽ phải tổ chức truy thu. Tuy nhiên, lực lượng hải quan có thể gặp phải vấn đề như DN nhập khẩu đã đóng cửa hoặc khai báo phá sản. Cũng vì xe đã được bán, được lưu hành nên việc truy hồi, truy thu thuế sẽ rất khó và lâu”, vị này nói.
Theo đại diện đơn vị nhập khẩu Audi Việt Nam, hiện có một số dòng xe mà cơ quan đăng kiểm chưa thể kiểm định được. Ví dụ như dòng Audi mới với hệ thống Quattro hiện nay. Đại diện này cho biết, cơ quan đăng kiểm hiện cũng chưa có trang thiết bị công nghệ để kiểm định hệ thống dẫn cầu bốn bánh toàn thời gian của dòng xe hệ thống trên. Do đó, việc chịu trách nhiệm về chất lượng xe cuối cùng là nhà sản xuất. |
Ngoài ra, một “chiêu” giảm giá xe khác là biến xe cũ thành xe mới. Những xe này có thể được nhập khẩu giá rẻ do lỗi như bị mưa đá, mưa axit, bị ngập lụt…, đã được bảo hiểm nước sở tại đền bù và không được phép lưu hành tại đây. Các đại lý sẽ bán thanh lý những xe này với giá rất rẻ, có khi chỉ tương đương 50% giá gốc. Khi nhập khẩu về, các xe này sẽ được sửa chữa, làm mới và bán cho khách hàng với mức giá xe mới.
Ngoài ra, nhiều xe nhập không chính hãng bán giá rẻ còn liên quan đến chính sách bảo hành. Theo đó, hầu hết các xe này chỉ được bảo hành 1-2 năm trong khi chính sách bảo hành của nhà sản xuất thường là ba năm. Bên cạnh đó, nhà sản xuất chỉ cung cấp miễn phí phụ tùng thay thế cho các đại lý, do đó khi mua xe nhập khẩu không chính hãng, khách hàng phải tự bỏ tiền bảo hành và mua phụ tùng. Chính vì thế, nhiều khi chi phí bảo hành, sửa chữa những chiếc xe trên khá cao, nhất là với các xe bị lỗi thường dễ hỏng hóc.
“Khi triệu hồi phải có thông tin từ nhà sản xuất để biết số vin nào bị triệu hồi. Nếu không mua qua hệ thống của hãng thì sẽ không biết xe nào phải triệu hồi. Hãng chỉ thông báo cho đơn vị mua trực tiếp (cấp 1). Các DN nhập khẩu không chính hãng cũng sẽ không có bản quyền phần mềm để tiến hành triệu hồi cho nên không thể thực hiện hoạt động triệu hồi và bảo hành”, đại diện nhập khẩu trên nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận