Má phanh ô tô không được vệ sinh định kì
Trong quá trình di chuyển, một lượng bụi bẩn hay bụi do má phanh sinh ra bị kẹt vào phần má và đĩa phanh. Nếu không vệ sinh định kỳ, lượng bụi bẩn này sẽ làm kẹt các pít-tông phanh, dẫn đến lực phanh không đều sinh ra mòn không đều má phanh.
Không chỉ bụi bẩn thông thường, có nhiều trường hợp những viên sỏi nhỏ lọt vào và kẹt giữa má phanh và đĩa phanh. Khi xe chạy không chỉ sinh ra tiếng kêu khó chịu mà còn gây hư hỏng đĩa và má phanh. Nếu không kịp thời loại bỏ sẽ gây ra hư hỏng nặng cho má và đĩa phanh
Theo các nhà sản xuất ô tô, người dùng nên kiểm tra và vệ sinh má phanh ô tô sau mỗi 5.000 km để đảm bảo có thể loại bỏ dị vật hoặc có thể làm sạch các rãnh tản nhiệt trên má phanh, giúp tối ưu hiệu quả phanh và tránh các hư hỏng nặng.
Đĩa phanh bị biến dạng
Trong quá trình di chuyển nếu đĩa phanh bị biến dạng sẽ khiến tiết diện tiếp xúc giữa má và đĩa phanh không đều, dẫn đến tình trạng mòn không đều má phanh, vô-lăng rung lắc khi phanh, bàn đạp phanh có phản lực.
Trong trường hợp đĩa phanh bị biến dạng nghiêm trọng sẽ dẫn đến trường hợp kẹt má phanh, khiến xe không thể di chuyển được. Trong trường hợp này tài xế cần bình tĩnh gọi xe cứu hộ để cẩu xe, không được cố gắng điều khiển xe di chuyển nếu không sẽ dẫn tới hư hỏng nặng các hệ thống khác.
Ắc suốt phanh bị gỉ sét
Ắc suốt phanh có chức năng dẫn hướng cho má phanh trong quá trình đạp phanh. Trong quá trình sử dụng ắc suốt phanh có thể gặp trục trặc khi gioăng cao su bọc ngoài gặp sự cố dẫn đến rách, thủng. Điều này khiến ắc suốt bị gỉ sét hoặc bụi bẩn lọt vào và sẽ gây kẹt.
Kẹt ắc suốt phanh có thể dẫn tới tình trạng kẹt phanh, phanh không ăn. Trong các trường hợp kẹt một bên ắc suốt phanh sẽ tạo ra hiện tượng mòn má phanh không đều.
Để khắc phục, hãy tháo ắc suốt ra ngoài để lau chùi cẩn thận và tra thêm mỡ cho bộ phận này. Khi phát hiện ắc suốt hoặc gioăng cao su gặp sự cố, chủ xe cần nhanh chóng mang xe đi sửa chữa trước khi toàn bộ hệ thống phanh bị ảnh hưởng.
Hành trình tự do bàn đạp phanh nhỏ
Hành trình tự do bàn đạp phanh ô tô quá nhỏ cũng là nguyên nhân có thể khiến má phanh ô tô mòn không đều. Khi hành trình tự do bàn đạp phanh nhỏ đồng nghĩa với việc má phanh liên tục bị ép vào đĩa phanh, lúc này má phanh có thể bị mòn không đều do các tác động ngoại lực.
Ngoài ra má phanh cũng sẽ nhận áp lực lớn hơn khi chủ xe sử dụng phanh, dễ dẫn đến mòn má, vỡ má. Áp lực phanh lớn quá cũng có thể gây ra rò rỉ dầu phanh ở các đường ống dẫn dầu. Tài xế cần lưu ý điều chỉnh hành trình tự do bàn đạp phanh đúng theo tiêu chuẩn để đảm bảo quá trình sử dụng phanh an toàn.
Má phanh nở do bị lọt nước
Má phanh có thể nở ra nếu bị lọt nước vào bên trong. Trong thực tế, nhiều chủ xe chủ quan, không chú trọng việc chăm sóc xe ô tô sau khi bị lọt nước. Nước có thể lọt vào hệ thống phanh một cách dễ dàng khi xe di chuyển dưới trời mưa hoặc khi rửa xe.
Khi má phanh bị ngâm nước quá lâu sẽ dễ dàng bị nở, vỡ dẫn đến hư hỏng hệ thống phanh, dễ gây ra hiện tượng mất phanh.
Chủ xe cần chú ý lượng bụi phanh sinh ra sau quá trình di chuyển, nếu sau lượng bụi sinh ra nhiều bất thường có thể má phanh đã ngấm nước dẫn đến bị mềm. Lúc này cần tiến hành kiểm tra thay thế để tránh gặp sự cố nghiêm trọng.
Sự cố lọt nước vào đường ống dầu phanh cũng dẫn đến hiện tượng mòn má phanh không đều. Khi nước lọt vào dầu phanh sẽ dẫn đến giảm áp lực dầu, khiến cho áp lực lên các pít-tông phanh không đều, lúc này má phanh sẽ khó ép sát vào đĩa hình thành nên sự mòn không đều và phanh không ăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận