Ngày 11/8/2022, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện lắp ráp trong nước.
Thaco đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, giá tính thuế giá trị đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước theo Thaco đề xuất sẽ được tính theo hướng: giá trị sản xuất trong nước (tức là tỷ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Thaco trình bày kiến nghị hôm 11/8/2022. Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ
Ngoài ra, đối với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, Thaco cũng kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023.
Hiện Thaco là một trong nhà sản xuất lắp ráp ô tô lớn nhất Việt Nam với sản lượng lắp ráp và phân phối năm 2021 đạt hơn 86.500 xe các loại, chiếm 37% thị phần ô tô cả nước.
Theo TS. Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) tính đến tháng 3/2022 mới có 229 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Trong đó có 84 doanh nghiệp cung ứng linh kiện trực tiếp cho hãng xe (nhà cung ứng cấp 1); 145 doanh nghiệp cung ứng gián tiếp cho hãng xe (nhà cung ứng cấp 2 - 3).
Xe tiêm chủng lưu động, một trong những sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao do Thaco sản xuất năm 2021
"Các nhà cung ứng cấp 1 cho ô tô phần lớn phát triển lên từ cung ứng lắp ráp xe máy tại Việt Nam. Khi thị trường xe máy bão hòa thì họ tìm kiếm lợi nhuận ở ngành công nghiệp ô tô. Trong khi Thái Lan có khoảng 2.100 nhà cung ứng cấp 1, gấp gần 100 lần số nhà cung ứng của Việt Nam", bà Trương Thị Chí Bình cho hay.
TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, đề xuất của Thaco hợp lý trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hoá ô tô lắp ráp trong nước.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hoá đang ở mức khoảng 8-10% đối với ô tô du lịch, khoảng 40-45% đối với ô tô tải và 50-55 % đối với ô tô khách.
"Nếu đề xuất này được thông qua, mức giá đối với ô tô tải và ô tô khách sẽ giảm mạnh, còn ô tô du lịch sẽ chỉ giảm không đáng kể. Điều này phù hợp với chiến lược của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô", ông Ngô Trí Long nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận