Nhu cầu mua xe ngày càng lớn, các doanh nghiệp sản xuất ô tô liên tục mở rộng quy mô khiến nhu cầu lao động tăng mạnh. Nhân lực ngành ô tô được dự báo sẽ rất “đắt giá” trong thời gian tới.
Thực tế, nhiều sinh viên ngành ô tô được doanh nghiệp săn đón từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Chưa tốt nghiệp đã được mời làm việc
PGS. TS. Trần Văn Như, Trưởng Bộ môn Cơ khí ô tô, Đại học GTVT cho biết, ô tô hiện nay là ngành được nhiều bạn trẻ quan tâm, lượng thí sinh dự tuyển đông nên điểm đầu vào thường cao hơn so với nhiều ngành học khác.
Trong 2 năm gần đây, nhận thấy nhu cầu làm việc cho ngành ô tô tăng cao, Trường Đại học GTVT đã tăng số lượng chỉ tiêu tuyển sinh.
Như năm 2019, trường chỉ tuyển 236 sinh viên với điểm trúng tuyển là 20,95 vào ngành kỹ thuật ô tô nhưng năm 2020 và 2021, số lượng lên tới 330 chỉ tiêu với điểm trúng tuyển từ 24,55 - 25,1.
Còn theo PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dùng, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành ô tô hiện nay được đánh giá có nhu cầu về nhân sự lớn, vì vậy rất nhiều trường đã mở thêm ngành đào tạo này.
“Lượng thí sinh thi vào ngành ô tô của Đại học Bách khoa Hà Nội trong 5 năm gần đây tăng mạnh và được coi là một trong những ngành “hot” nhất của trường.
Vài năm qua, trung bình mỗi môn được 9 điểm thí sinh mới có thể đỗ. Hiện, mỗi năm trường tuyển sinh khoảng 300 sinh viên ngành ô tô và có thể sẽ nới thêm”, ông Phúc cho biết.
Nói đến kỹ sư ô tô mọi người thường chỉ nghĩ đó là nghề dành cho nam giới. Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn không phải như vậy.
Sinh viên Hà Linh Chi, Đại học GTVT (phải) đang trao đổi vấn đề liên quan đến động cơ ô tô với đàn em khóa dưới
Hà Linh Chi (sinh viên năm 4, Đại học GTVT) là một trường hợp mà nếu ai gặp sẽ khó hình dung cô sẽ trở thành một kỹ sư công nghệ ô tô tương lai.
Chi cho biết, chọn học ngành ô tô vì yêu thích và nhất là nhận thấy ngành công nghiệp ô tô đang ngày càng phát triển, cơ hội việc làm trong ngành kỹ thuật ô tô rất lớn.
“Em muốn trở thành cố vấn dịch vụ tại đại lý. Đó là công việc giúp đỡ khách hàng về việc tư vấn, sửa chữa xe. Em đã có định hướng sẽ thực tập tại Volkswagen Long Biên”, nữ kỹ sư tương lai chia sẻ.
Cơ hội việc làm trong ngành ô tô cũng khá thuận lợi với Nguyễn Văn Khoa (sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghệ GTVT). Dù mới thi tốt nghiệp và chưa kịp lấy bằng nhưng Khoa đã có kinh nghiệm làm việc ở một loạt các trung tâm bảo dưỡng ô tô lớn tại Hà Nội.
“Các cơ sở bảo dưỡng ô tô hiện rất thiếu nhân lực nên dù còn là sinh viên đến xin thực tập để lấy kinh nghiệm, nhưng chỉ sau một vài tuần là họ đề nghị em gắn bó lâu dài. Giờ em chưa lấy bằng nhưng đã có một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mời về làm việc với mức lương 15 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng”, Khoa cho hay.
Hiện nay, để chủ động xây dựng nguồn nhân lực, nhiều hãng xe lớn như Toyota, VinFast, Ford hay các đại lý ô tô thường liên kết với các nhà trường để đào tạo và sẽ nhận ngay sinh viên từ khi còn trên ghế nhà trường, chỉ chờ tốt nghiệp là mời về làm việc chính thức tại hãng và các đại lý.
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, hãng vẫn đang thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho sinh viên kỹ thuật nói chung, ngành ô tô nói riêng.
Từ khi triển khai các chương trình hỗ trợ, Toyota Việt Nam đã nhận 854 sinh viên vào làm việc tại hệ thống đại lý.
Học kỹ thuật ô tô không chỉ để sản xuất xe hơi
Sinh viên ngành kỹ thuật ô tô của Đại học Bách Khoa Hà Nội tham gia chương trình tại Nhà máy VinFast
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, công nghệ ô tô là ngành luôn có thu nhập cao và không bao giờ sợ thất nghiệp trong hiện tại và cả tương lai. Từ đó, kéo theo nhu cầu nhân lực của ngành sẽ ngày một gia tăng, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, không có nghĩa cứ học ngành cơ khí ô tô là chỉ tham gia vào các công đoạn sản xuất, lắp ráp ô tô mà còn có thể làm nhiều lĩnh vực có liên quan.
Chẳng hạn như kiểm định viên tại các trung tâm đăng kiểm, cố vấn dịch vụ đại lý, chuyên gia kỹ thuật tại các doanh nghiệp cung ứng phụ tùng, linh kiện ô tô hay nhân sự trong các hoạt động xuất nhập khẩu ô tô...
Theo PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, những ý kiến cho rằng sinh viên ngành ô tô ra trường có ít người được làm đúng ngành nghề là do hiểu sai.
Chẳng hạn, học ô tô ra làm bảo hiểm, thực ra lại đúng ngành nghề vì với bảo hiểm ô tô, rất cần giám định viên có kiến thức về ô tô. Hoặc bán dầu nhớt, phụ gia cũng liên quan đến ô tô, phải có kiến thức về ô tô.
“Các công ty này sang Đại học Bách khoa tuyển dụng rất nhiều. Vì vậy vẫn có thể coi là đúng ngành nghề bởi trên ô tô có rất nhiều thứ liên quan để làm.
Bên cạnh đó, ngành ô tô ở trường Bách khoa nằm trong chương trình cơ khí, thuộc về cơ khí nên khối lượng kiến thức về cơ khí rất nhiều.
Việc học ô tô có kiến thức nền tảng rất tốt nên các em có thể làm bất kỳ lĩnh vực nào liên quan đến cơ khí đều được”, ông Phúc lý giải và cho biết thêm, nhà máy Samsung hay LG vẫn tuyển kỹ sư ô tô bình thường.
Bên cạnh việc đào tạo, các trường cũng có một số biện pháp giúp sinh viên sớm xác định được mong muốn học tập, nghề nghiệp như mở các câu lạc bộ chuyên ngành, đi thực tế, giao lưu với hội cựu sinh viên… Từ đó, sinh viên ngành ô tô có thể trải nghiệm, tự định hình nghề nghiệp.
“Hầu hết sinh viên ngành ô tô ra trường đều làm việc đúng chuyên môn. Còn nếu chỉ tính riêng làm việc cho các hãng xe, đại lý, số lượng khoảng 50% sinh viên ra trường”, ông Phúc nói thêm.
Theo những nghiên cứu mới đây, các tập đoàn ô tô hàng đầu của Đức, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc như: BMW, Toyota, Honda, Ford hay Kia, Hyundai… tại Việt Nam đều đặn tổ chức tuyển dụng hàng năm nhưng “nguồn” vẫn không đủ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ô tô lớn của Việt Nam như: VinFast, Trường Hải, Hyundai Thành Công đều có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất nên nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật ô tô sẽ tiếp tục tăng lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận