Tờ Financial Times đưa tin, các thành viên Chính phủ Nhật Bản rõ ràng đã tìm cách sáp nhập Nissan và Honda với nhau, bởi lo ngại sự suy yếu và có thể sụp đổ của liên minh Renault – Nissan – Mitsubishi, khiến Nissan chao đảo.
Các cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, mối quan hệ giữa các thương hiệu thuộc liên minh kể trên đang dần trở nên tồi tệ, vì vậy, các quan chức đã nhanh chóng thảo luận về một cuộc sáp nhập vào cuối năm 2019. Một mối quan hệ giữa Nissan với Honda đã được đề xuất, với hy vọng sẽ vực dậy thương hiệu Nissan một lần nữa.
Tuy nhiên, cả Nissan lẫn Honda đều bác bỏ ý tưởng này gần như ngay lập tức, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 làm mọi hoạt động sản xuất tạm dừng. Câu hỏi đặt ra là việc sáp nhập có hấp dẫn không?
Theo Autocar, có thể do kỹ thuật của Honda khiến công ty này khó chia sẻ các bộ phận và nền tảng với Nissan. Điều này có nghĩa một vụ sáp nhập giữa Nissan và Honda sẽ mất đi lợi thế quan trọng về mặt quy mô.
Ngoài ra, Honda và Nissan có các mô hình kinh doanh rất khác nhau. Nissan chủ yếu tập trung vào ô tô, trong khi Honda đa dạng hóa hơn với việc sản xuất cả xe máy, công cụ điện và thiết bị làm vườn.
Trong khi đó, các thương hiệu lớn khác đã công bố kế hoạch sáp nhập, bao gồm PSA Group và Fiat Chrysler Automobiles (FCA). Hai hãng sẽ tham gia vào một thỏa thuận hợp nhất 50:50 để tạo thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới có tên là Stellantis (tên này sẽ được sử dụng riêng làm thương hiệu công ty).
Ngoài ra, Ford và Volkswagen đã hoàn thành liên minh toàn cầu rộng lớn của họ. Theo đó cả hai sẽ hợp tác cùng nhau để phát triển ô tô điện, xe bán tải, xe tải và công nghệ lái xe tự động. Cả hai công ty dự kiến sẽ sản xuất tổng cộng 8 triệu xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận