Xe tự lái sẽ làm thế nào khi gặp tình huống éo le |
Xe tự lái có biết hy sinh vì người khác?
TNGT là nguồn cơn gây thương vong lớn nhất trên thế giới. Khi công nghệ phát triển, các phương tiện tự động lái bằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò như bản sao của con người, được kỳ vọng kéo giảm thương tật nhờ hạn chế TNGT do lỗi con người gây ra.
Thực tế, robot chỉ có thể bắt chước con người một cách máy móc trong lĩnh vực kỹ thuật chứ chưa đạt đến trình độ có thể suy nghĩ và đưa ra quyết định liên quan tới mặt đạo đức.
Chẳng hạn, khi gặp một đứa trẻ chạy ngang qua đường, ô tô sẽ tự ngoặt tay lái để tránh đâm phải đứa bé đó, trong khi có thể gây nguy hại tới các sinh mạng khác hay không? Liệu chúng sẽ được lập trình để phản ứng trong những trường hợp đó như thế nào?
Những câu hỏi như vậy vẫn còn bỏ ngỏ. Thực tế cho thấy, tốc độ phát triển công nghệ và chấp nhận phương tiện tự lái đang rất nhanh nhưng những nghiên cứu, bàn luận về khía cạnh đạo đức và xã hội liên quan lại tụt hậu. Hiện tại, chưa có nhiều hội thảo và nghiên cứu tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Mới đây, tạp chí Frontiers in Behavioral Neuroscience phối hợp với Viện Khoa học Nhận thức, Đại học Osnabrück (Đức) dưới sự chỉ đạo của ông Lasse T. Bergmann đã thực hiện nghiên cứu về cách phương tiện tự lái được lập trình để đối phó với những tình huống gây nguy hại tới mạng sống con người.
Trong quá trình thực hiện, ông Bergmann và các đồng nghiệp đã thiết kế một thử nghiệm thực tế ảo để kiểm tra trực giác của con người trong nhiều kịch bản lái xe khác nhau. Một loạt các cuộc thử nghiệm được tạo ra để làm bật lên những yếu tố khác nhau mà có thể hoặc không được nhận thức là vấn đề đạo đức.
Nghiên cứu chỉ ra, khi đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, mức độ con người sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì người khác rất cao. Họ đưa ra quyết định dựa trên số lượng người liên quan, độ tuổi của nạn nhân (chẳng hạn sẽ ưu tiên trẻ nhỏ hơn người già) và có thể ngoặt tay lái, lao lên vỉa hè để hạn chế tối thiểu thương vong.
Song, kết quả trên hoàn toàn trái ngược với hướng dẫn về đạo đức mà nhiều chính phủ đưa ra trong trường hợp này.
Chẳng hạn, một Ủy ban đạo đức do Bộ Giao thông Đức khởi xướng vừa tạo ra một bộ hướng dẫn trong đó đưa ra những đánh giá được coi là tốt nhất của các thành viên trong ủy ban về nhiều vấn đề liên quan đến xe tự lái. Trong đó, có chỉ dẫn cho rằng, mọi sinh mạng đều có giá trị như nhau nên không có mạng sống nào cần được ưu tiên hơn.
Ông Bergmann đặt vấn đề: Nếu xe tự lái tuân thủ hướng dẫn mà ủy ban đạo đức như của Đức vừa đưa ra thì sẽ trái với trực giác và sự hài lòng của hầu hết mọi người và có thể bị coi là “vô đạo đức".
Cần cơ chế đạo đức để xe tự lái chấp hành
Cũng chính vì vậy, nghiên cứu chỉ ra, điều khẩn cấp mà chính quyền các nước trên thế giới cần phải làm lúc này là tổ chức các cuộc hội thảo xã hội để định nghĩa những mục tiêu và hạn chế của những quy định tương lai áp dụng với xe tự lái. “Động thái này là cần thiết trước khi xe do robot điều khiển đi vào đời sống con người”, Giáo sư Gordon Pipa, đồng tác giả nghiên cứu trên đến từ Đại học Osnabrück nhấn mạnh.
Cũng theo giáo sư này, các nhà khoa học, chuyên gia và giới chức cần phải thiết lập một cơ chế và luật pháp rõ ràng để máy tính có thể hiểu rõ, đồng nghĩa, phải tìm ra lý lẽ đạo đức chung của con người và áp dụng lại với máy móc.
Từ khảo sát do tạp chí Frontiers in Behavioral Neuroscience thực hiện, ông Bergmann cũng khẳng định, cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác nữa vì vẫn còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này chưa thể giải quyết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận