Anh Phạm Văn Huy (trú tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) hỏi: “Tại sao xe ô tô của tôi không đi, đỗ một chỗ trong hầm gửi xe khoảng 1 tháng lại bị xịt lốp, trong khi đi lại thường xuyên thì rất lâu lốp mới xuống hơi?”.
Liên quan đến thắc mắc này, anh Nguyễn Tiến Toàn, Giám đốc Gara ô tô Minh Thức cho biết, không chỉ riêng ô tô mà xe máy cũng gặp tình trạng xịt lốp khi để lâu không đi.
Nguyên nhân là do hiện tượng thẩm thấu khí. Nền khí hậu đặc trưng của nước ta là khí hậu nóng ẩm, khi đỗ xe một chỗ thời gian dài khiến cao su (chất liệu làm nên lốp xe) bị co giãn vì không phải cao su đặc, cùng với đó là sự chênh lệch về áp suất khiến khí bên trong lốp bị thoát ra ngoài qua các lỗ hổng cao su, đặc biệt ở vị trí mép vành lốp dẫn đến xe bị xuống hơi, xịt lốp.
Ngược lại, với các xe thường xuyên di chuyển trên đường, vành mép la zăng liên tục chuyển động giúp các lỗ hơi được làm đầy, khiến khí bên trong lốp không bị hoặc ít bị thoát hơi.
“Với những xe để lâu và lốp bị xịt tức là lốp đã bị biến dạng, lão hóa, không còn an toàn, các lái xe khi sử dụng xe trên đường hết sức chú ý để kịp thời phát hiện những bất thường của lốp. Đặc biệt, không để áp suất lốp vượt quá khuyến cáo của nhà sản xuất, không chở người, chở hàng vượt quá tải trọng quy định, tránh trường hợp bị nổ lốp, rất nguy hiểm”, anh Toàn khuyến cáo.
Theo anh Toàn, với các lái xe tiết kiệm có thể chuyển lốp ở bánh trước bị xịt xuống bánh sau để tái sử dụng, tuy nhiên, để an toàn nhất thì nên thay những chiếc lốp đã bị xịt.
Đồng thời, chú ý năm sản xuất của lốp được ghi trên lốp để thay mới với những lốp xe đã sử dụng từ 4-5 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận