Theo kỹ sư ô tô Dương Văn Mạnh, xưởng dịch vụ MH Auto Service (KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội), ô tô không di chuyển nhưng bị ngập nước do lũ lụt, sẽ bị thiệt hại nặng nề các bộ phận sau:
Trước hết, toàn bộ vật liệu cấu trúc nội thất, gồm trần, sàn, ghế và vật liệu cách âm cách nhiệt sẽ hư hại hoàn toàn.
Tiếp đến hệ thống điện sẽ hư hỏng nặng, nhất là các bảng mạch và các cụm giắc cắm, cầu chì, bình ắc quy, do các bộ phận này có thể chịu nhiệt nhưng không chịu nước.
Hệ thống đèn cũng hư hỏng nặng, do cấu tạo chân cắm không chịu nước, ngoài ra nước lọt vào các chóa đèn làm mất độ phản quang.
Một loạt mô-tơ điện cũng sẽ hỏng nếu ngâm nước lâu, như các mô-tơ nâng hạ kính, mô-tơ gạt mưa, mô-tơ trợ lực vô-lăng và máy nén điều hòa…
Các chất lỏng trong xe, gồm nhiên liệu (xăng dầu), dầu bôi trơn máy, dầu hộp số, dầu cầu, nước làm mát và nước rửa kính… sẽ bị mất hoạt tính lý hóa do ngâm nước, phải thay toàn bộ.
Các bộ phận ít hư hại do ngập nước, có thể tái sử dụng phần lớn là các bộ phận cơ khí, gồm hệ thống lái, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ dẫn động và khối động cơ và hộp số.
Riêng đối với động cơ, việc chỉ bị ngâm nước nhưng không nổ máy, không bị thủy kích, có thể sửa chữa để hoạt động lại sau lũ.
Lý do là động cơ ô tô tương đối kín khít về mặt cấu tạo, các gioăng đệm ở các vị trí nối làm bằng vật liệu chịu nhiệt cao, không bị thấm nước.
Bộ phận cổ hút gió vào động cơ có van đóng mở, chỉ mở ra khi xe nổ máy; do đó nếu có nước lọt qua bộ phận này vào động cơ thì chỉ làm biến tính gây thoái hóa dầu máy bôi trơn, không làm hư hỏng chi tiết động cơ.
Đối với hộp số cũng vậy, dù bị ngâm nước nhưng không vận hành, hộp số ô tô vẫn đảm bảo độ kín khít, có thể hoạt động trở lại sau khi thay dầu mới.
Bởi vậy, khối động cơ và hộp số (chiếm từ 30 - 40% tổng giá trị) của chiếc ô tô bị ngập nước là những bộ phận có thể sửa chữa khôi phục sau khi trận lũ lụt đi qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận