Từ tháng 7 tới nay, lượng ô tô nhập khẩu tiếp tục có chiều hướng tăng mạnh. Chỉ trong tháng 11/2018 có tới 13.778 xe ô tô nhập về Việt Nam, đạt mức kỷ lục tính từ đầu năm đến nay và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.
Khác với tình cảnh ảm đạm trong nửa đầu năm 2018 do những quy định mới đối với xe nhập khẩu, hiện ô tô nhập khẩu đã liên tục gia tăng cập cảng, cạnh tranh mạnh mẽ với các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó, nổi lên là những loại xe có xuất xứ từ ASEAN như Thái Lan hay Indonesia.
“Vượt rào” thành công
Trong nửa đầu năm 2018, tình hình nhập khẩu ô tô tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do các quy định mới tại Nghị định 116. Thậm chí đến hết tháng 6/2018, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc trên cả nước giảm tới 75,7% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 12 nghìn chiếc (trị giá 329 triệu USD) so với 51 nghìn xe cùng kỳ năm 2017. Sự sụt giảm xe nhập khẩu trong những tháng đầu năm đã tạo ra cơn “khủng hoảng” xe nhập nhưng đồng thời giúp các mẫu xe lắp ráp lên ngôi. Thậm chí, nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước còn không kịp sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một lý do khiến các mẫu xe nhập khẩu không thể về Việt Nam trong những tháng đầu năm do quy định bắt buộc ô tô nhập khẩu phải có giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) và phải được kiểm tra theo lô. Ngay sau khi quy định về xe nhập khẩu tại Thông tư 03 được thực thi, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã liên tiếp có kiến nghị đề nghị dừng, hoãn áp dụng với lý do các nước không cấp loại giấy VTA như yêu cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ sau đó một vài tháng, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chân có được loại giấy này và tiến hành nhập khẩu xe.
Tính đến hết tháng 11/2018, lượng xe nhập khẩu đạt 66.429 chiếc, chỉ giảm 20% so với cùng kỳ năm 2017 (83.864 xe). Tuy nhiên, theo nhận định với lượng xe nhập khẩu đang có chiều hướng tăng mạnh trong tháng cuối năm, lượng xe nhập khẩu bán ra tại thị trường Việt Nam trong năm 2018 không giảm nhiều so với năm 2017 và sẽ tăng mạnh trong năm 2019.
Theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT), việc doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp giấy chứng nhận VTA khi nhập khẩu là một trong những căn cứ ban đầu để cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra và chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Thực tế chỉ sau một thời gian ngắn, vào tháng 4/2018, Honda Việt Nam đã có được giấy VTA, tiến hành nhập khẩu Honda CR-V. Tiếp sau Thái Lan, Indonesia cũng đã cung cấp giấy VTA và ồ ạt nhập khẩu xe về nước.
Do đã “vượt rào” thành công cộng với việc được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nên từ tháng 7/2018, ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN bất ngờ tăng đột biến và dần cân bằng với lượng xe lắp ráp trong nước. Tính riêng tháng 7/2018, cả nước đã nhập khẩu 6.586 ô tô các loại. Từ tháng 7 tới nay, lượng ô tô nhập khẩu tiếp tục có chiều hướng tăng mạnh. Chỉ trong tháng 11/2018 có tới 13.778 xe ô tô nhập về Việt Nam, đạt mức kỷ lục tính từ đầu năm đến nay và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam vượt mức 10.000 xe/tháng. Đặc biệt hơn, bản đồ ô tô nhập khẩu còn xuất hiện thêm một số quốc gia ngoài ASEAN như: Hoa Kỳ, CHLB Đức, Mexico… về nước với số lượng không nhỏ.
Có nên thêm hàng rào kỹ thuật?
Tính đến thời điểm hiện tại, bên cạnh các dòng xe từ ASEAN, các mẫu xe từ nhiều thị trường khác nhau như: Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, CHLB Đức, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu đã nhập khẩu được về Việt Nam. Theo một nguồn tin, đến nay, chỉ có xe xuất xứ Nhật Bản là chưa được cấp giấy VTA. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, lượng ô tô nhập từ quốc gia này bắt đầu xuất hiện. Cụ thể, khoảng giữa tháng 9/2018, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ô tô nhập khẩu có 61 xe xuất xứ từ Nhật Bản, trong đó có 57 ô tô dưới 9 chỗ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam hiện nay hầu hết sử dụng giấy VTA do Liên minh châu Âu hoặc Đài Loan cấp.
Cụ thể, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đến nay hầu hết các thị trường đều đã có xe nhập khẩu về Việt Nam ngoại trừ Nhật Bản. Những thị trường vốn trước đây được coi là vướng giấy VTA không thể nhập khẩu về Việt Nam như: Thái Lan, Indonesia, châu Âu… hiện đã nhập khẩu bình thường. Riêng đối với Nhật Bản dù vẫn có thể sử dụng giấy chứng nhận VTA do các tổ chức có đủ thẩm quyền để đáp ứng các thủ tục nhập khẩu theo quy định của Việt Nam nhưng xe có xuất xứ từ Nhật Bản hiện đang đi theo đường vòng bằng cách sử dụng giấy VTA của nước thứ ba.
“Về cơ bản, các thủ tục về quản lý xe nhập khẩu hiện tại không còn là rào cản, nhất là xe từ các nước ASEAN đã rộng đường về Việt Nam. Do được hưởng chính sách thuế quan thuận lợi nên lượng ô tô nhập khẩu ngày càng tăng. Bên cạnh đó các nước này đều có ngành công nghiệp ô tô lâu đời, quy mô thị trường lớn (như Thái Lan mỗi năm sản xuất hơn 2 triệu xe) nên giá thành sản xuất thấp hơn Việt Nam.
Trước câu hỏi, việc ban hành Nghị định 116 có phải là biện pháp hạn chế xe nhập khẩu để khuyến khích sản xuất, lắp ráp trong nước và khi xe nhập khẩu đã “vượt rào” thì có cần bổ sung các chính sách mới, ông Trần Quang Hà khẳng định, các quy định đối với ô tô nhập khẩu tại Nghị định 116 và Thông tư 03 nhằm mục đích đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ đối với ô tô nhập khẩu về Việt Nam, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như sự bình đẳng giữa ô tô sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu.
“Theo tôi, đến nay, các quy định này đã đạt được mục tiêu nói trên. Việc xây dựng hàng rào kỹ thuật dù thế nào cũng phải đảm bảo sự đồng đẳng giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu. Không thể xây dựng hàng rào riêng cho xe nhập khẩu bởi nếu đối xử khác đi sẽ vi phạm cam kết quốc tế”, ông Hà cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận