Theo báo cáo mới nhất của Tổng Cục Hải quan, trong tháng 11/2018 cả nước đã nhập khẩu 14.538 xe ô tô nguyên chiếc các loại trị giá 304,66 triệu USD. Đây là lượng xe nhập khẩu cao nhất kể từ đầu năm 2018. Cộng dồn 11 tháng của năm 2018 cả nước đã nhập 67.283 xe ô tô các loại với trị giá gần 1,5 tỷ USD, giảm khoảng 19,8% về lượng và 21,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, kể từ đầu năm đến nay, lượng xe có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh với 47.359 chiếc, chiếm tới hơn 70% lượng ô tô nhập khẩu. Thái Lan cũng đạt mức tăng trưởng về xuất khẩu xe vào Việt Nam tới hơn 50% so với cùng kỳ 2017.
Nhiều mẫu xe từ Thái Lan liên tiếp lọt Top các mẫu xe bán chạy nhất thị trường như: Honda CR-V, Ford Ranger, Toyota Hilux, Chevrolet Colorado.... Đặc biệt, hầu hết các mẫu xe nhập Thái Lan này đều được miễn thuế nhập khẩu theo các cam kết thương mại trước đây và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018.
Đứng sau Thái Lan về lượng ô tô nhập về nước cũng là Indonesia. Kể từ đầu năm đã có 12.893 chiếc xe được nhập từ Indonesia. Trái ngược với Thái Lan thì lượng xe nhập khẩu từ Indonesia giảm đôi chút so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, nếu tính thực tế lượng xe nhập từ Indonesia chỉ bắt đầu thực sự tăng mạnh kể từ tháng 8 thì lượng xe nhập từ Indonesia trung bình hàng tháng cũng khá cao, khoảng trên 3.000 chiếc/tháng. Những mẫu xe từ Indonesia như: Toyota Fortuner, Mitsubishi Xpander, Toyota Wigo hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm và sẵn sàng bùng nổ trong thời gian tới. Indonesia hiện đang là quốc gia có xe nhập khẩu về rẻ nhất với trị giá trung bình chỉ khoảng 16.500 USD (380 triêu đồng).
Một điểm khá đặc biệt trong bức tranh nhập khẩu từ đầu năm là việc xe ô tô từ Ấn Độ đã gần như mất hút trên bản đồ xe nhập khẩu. Từ đầu năm chỉ có 62 chiếc được nhập khẩu từ quốc gia này. Tuy nhiên, trị giá ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ lại cao ngất với giá trung bình khoảng hơn 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng)/chiếc. Cá biệt trong tháng 11/2018 chỉ có 5 chiếc xe được nhập từ Ấn Độ những lại có trị giá tới 3,8 triệu USD, tức trung bình là khoảng 760.000 USD (gần 17,5 tỷ đồng)/chiếc. Đây là điều hết sức bất thường đối với hoạt động nhập khẩu từ quốc gia nổi tiếng với ô tô giá rẻ này.
Ngoài Ấn Độ thì có 1 quốc gia cũng đặc biệt không kém trong hoạt động xuất nhập khẩu ô tô từ đầu năm 2018 là Nhật Bản. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam hiện nay hầu hết sử dụng giấy VTA do Liên minh châu Âu hoặc Đài Loan cấp.
Cụ thể, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đến nay hầu hết các thị trường đều đã có xe nhập khẩu về Việt Nam ngoại trừ Nhật Bản. Những thị trường vốn trước đây được coi là vướng giấy VTA không thể nhập khẩu về Việt Nam như: Thái Lan, Indonesia, châu Âu… hiện đã nhập khẩu bình thường. Riêng đối với Nhật Bản dù vẫn có thể sử dụng giấy chứng nhận VTA do các tổ chức có đủ thẩm quyền để đáp ứng các thủ tục nhập khẩu theo quy định của Việt Nam nhưng xe có xuất xứ từ Nhật Bản hiện đang đi theo đường vòng bằng cách sử dụng giấy VTA của nước thứ ba.
“Về cơ bản, các thủ tục về quản lý xe nhập khẩu hiện tại không còn là rào cản, nhất là xe từ các nước ASEAN đã rộng đường về Việt Nam. Do được hưởng chính sách thuế quan thuận lợi nên lượng ô tô nhập khẩu ngày càng tăng. Bên cạnh đó các nước này đều có ngành công nghiệp ô tô lâu đời, quy mô thị trường lớn (như Thái Lan mỗi năm sản xuất hơn 2 triệu xe) nên giá thành sản xuất thấp hơn Việt Nam. Sự linh động này đã giúp cho Nhật Bản trở thành quốc gia xuất khẩu xe nhiều thứ 3 vào thị trường Việt Nam kể từ đầu năm.
Thị trường ô tô nhập khẩu đã dần đi vào quỹ đạo vốn có, điều này sẽ nổ ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa ô tô lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu (CBU). Tuy nhiên, nguồn cung về nhiều nhưng điều mà người tiêu dùng trong nước mong chờ nhất là việc giá xe được ổn định thì vẫn chưa diễn ra. Hiện tại nhiều mẫu xe ăn khách trong nước bao gồm cả CKD và CBU đều phải chịu cảnh "bia kèm lạc" ngay trước Tết Âm lịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận