Một chiếc BMW đang được đổ xăng A92 tại cây xăng số 171 phố Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội - Ảnh: Khánh Linh |
Trong khi phải mất khá nhiều chi phí chuyển đổi động cơ ôtô sang tiêu chuẩn khí thải cao hơn là Euro 4 thì các loại phương tiện này vẫn phải sử dụng nhiên liệu cũ (Euro 2). Điều này không chỉ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến độ bền động cơ, chất lượng phương tiện.
Cơ bản đã chuyển sang động cơ mới
Bộ GTVT đang có đợt kiểm tra việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 tại các doanh nghiệp (DN) ô tô. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, qua các đợt kiểm tra, tất cả các DN đều đã thực hiện nghiêm lộ trình chuyển đổi sang động cơ Euro 4 kể từ 1/1/2017 đối với ô tô dùng xăng, đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải Euro 4.
“Các ô tô sử dụng nhiên liệu xăng được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu đã chuyển đổi 100% sang động cơ Euro 4 kể từ thời điểm 1/1/2017. Đây là yêu cầu bắt buộc theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực tế phương tiện nào còn được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu còn lắp động cơ Euro 2, Euro 3 thì cũng không được Cục Đăng kiểm VN cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và không lưu hành được”, ông Tiến nói và cho biết thêm, việc chuyển đổi động cơ từ Euro 2 sang Euro 4 sẽ khiến chi phí sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu tăng lên một chút nhưng về lâu dài đây là điều rất cần thiết để bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban Hoạch định chiến lược khối của Toyota Việt Nam (TMV) cũng cho biết, Toyota đã chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng động cơ Euro 4 từ năm 2016, đối với cả xe máy xăng lẫn máy dầu, trước cả lộ trình quy định. Đến nay, toàn bộ các xe ô tô chạy máy xăng và dầu của Toyota đều đã sử dụng động cơ Euro 4.
Về chi phí chuyển đổi động cơ, ông Tuấn cho biết, đối với xe con thì chi phí không tăng nhiều, chỉ khoảng 1 nghìn USD/xe nhưng với xe tải giá động cơ sẽ tăng nhiều, từ 3 - 4 nghìn USD/xe trở lên.
Tương tự, đại diện Hyundai Thành Công (HTC) cũng cho biết, cơ bản các loại xe nhập khẩu, lắp ráp của HTC và bán tại thị trường Việt Nam đều đã chuyển sang sử dụng động cơ Euro 4 từ 1/1/2017. Hiện, cũng chỉ còn 100 - 200 xe máy dầu còn dùng động cơ Euro 2 do khách hàng đặt mua từ trước thời điểm 1/1/2017. Về chi phí chuyển đổi động cơ, đại diện Hyundai Thành Công cho biết, chi phí cho mỗi chiếc xe lắp động cơ Euro 4 của hãng cao hơn từ 300 - 1.000 USD/xe so với động cơ Euro 2.
Các mẫu xe lắp ráp tại Hyundai Thành Công đều đã chuyển sang động cơ Euro 4 - Ảnh: HTC |
Xe Euro 4 nhưng vẫn chạy nhiên liệu Euro 2
Một vấn đề bất cập hiện nay là dù các nhà sản xuất, nhập khẩu đã chuyển đổi sang động cơ Euro 4 nhưng các phương tiện vẫn phải sử dụng nhiên liệu Euro 2. Thực tế đến nay Bộ Công thương cũng chưa ban hành lộ trình giới thiệu nhiên liệu Euro 4 và công bố như: thời điểm giới thiệu, mạng lưới phân phối tại các địa phương, số lượng trạm bán nhiên liệu Euro 4…
Còn nhớ, trước thời điểm áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với động cơ xăng (trước thời điểm 1/1/2017), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản khẩn thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương ban hành lộ trình giới thiệu nhiên liệu Euro 4. Tuy nhiên cho đến nay, dù các phương tiện máy xăng đã chuyển đổi sang động cơ Euro 4 gần 1 năm nhưng vẫn phải sử dụng nhiên liệu Euro 2, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, độ bền cũng như khí thải của động cơ.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Theo đó, các loại xe ô tô mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 từ 1/1/2017 và mức 5 từ 1/1/2022; các loại mô tô hai bánh mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 từ 1/1/2017. |
Mới đây, VAMA tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những kiến nghị về vấn đề áp dụng lộ trình khí thải Euro 4 đối với động cơ sử dụng nhiên liệu diesel. Tại văn bản này, VAMA cho biết, các nhà sản xuất xe sử dụng động cơ diesel đang chuẩn bị giới thiệu xe sử dụng động cơ diesel từ 1/1/2018 (theo lộ trình bắt buộc). Tuy nhiên, theo VAMA, điều này có thể sẽ có sự cố và hư hỏng lớn đối với xe sử dụng động cơ diesel có công suất lớn (xe buýt, xe tải) khi sử dụng nhiên liệu không đúng chủng loại. Các nhà sản xuất ô tô và nhiều người sử dụng xe rất lo lắng nếu nhiên liệu diesel Euro 4 không được cung cấp rộng khắp trên toàn quốc từ thời điểm 1/1/2018.
Tại văn bản này, VAMA cũng đề nghị công khai thời điểm nhiên liệu diesel Euro 4 được nhập khẩu và cung cấp trên thị trường và đảm bảo để người sử dụng xe diesel Euro 4 có thể tiếp cận và mua loại nhiên liệu này.
Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng giám đốc của một DN phân phối dầu khí cho biết, theo lộ trình, các DN phải có kế hoạch cung ứng, phân phối xăng dầu mức 4, 5 trên thị trường để đáp ứng yêu cầu của các DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới ô tô trong quý IV/2017. “Lộ trình đã có nhưng hiện nay Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chưa nâng cấp và vẫn sản xuất nhiên liệu tiêu chuẩn Euro 2. Chúng tôi tiêu thụ nhiên liệu từ Dung Quất thì vẫn phải lấy theo tiêu chuẩn của họ”, lãnh đạo DN dầu khí này cho biết.
Tương tự, một DN phân phối nhiên liệu khác kiến nghị: “Nếu Dung Quất không đáp ứng được, không cung ứng được nhiên liệu đủ tiêu chuẩn thì phải có phương án xử lý, cả khi đến 1/1/2018 nhiên liệu cũ của Dung Quất vẫn còn. Chính phủ cần có phương án vừa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường, quyền lợi người tiêu dùng, cam kết các thỏa thuận với thế giới và sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng kinh doanh xăng dầu vì chuyển đổi một sản phẩm chi phí bỏ ra là rất cao. Chính vì thế, Chính phủ cần phải đảm bảo sự khách quan và công bằng khi thực hiện”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận