Cách đây hai thập kỷ, thị trường Việt Nam chứng kiến làn sóng đầu tiên của các phương tiện giao thông Trung Quốc, đặc biệt là xe máy. Những cái tên như Loncin hay Lifan từng làm mưa làm gió nhờ giá rẻ.
Xe máy Trung Quốc mang đến cơ hội sở hữu phương tiện cho nhiều người tiêu dùng chưa đủ khả năng chi trả cho các dòng xe Nhật Bản như Honda hay Yamaha. Thậm chí, sự xuất hiện của xe Trung Quốc đã buộc các hãng lớn điều chỉnh chiến lược giá bán, tạo ra không ít biến động trong thị trường xe hai bánh.
Tuy nhiên, những kỳ vọng ban đầu nhanh chóng tan biến. Xe máy Trung Quốc bị người tiêu dùng gắn mác "của rẻ là của ôi" do nhanh xuống cấp và giá trị bán lại gần như bằng không.
Không chỉ xe máy, những dòng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc như Cherry QQ hay Lifan 320 cũng chịu số phận tương tự khi chất lượng không đáp ứng kỳ vọng, dẫn đến sự thoái lui của các hãng này khỏi thị trường.
Đến khoảng thập niên 2010, các thương hiệu ô tô Trung Quốc quay trở lại. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam lúc này đã trở nên khắt khe hơn. Các mẫu xe Trung Quốc bị chê bai vì "sao chép thiết kế" và không mang lại cảm giác tự hào khi sở hữu.
Hơn nữa, giá xe Nhật và Hàn Quốc đã giảm đáng kể, tạo thêm áp lực cho các thương hiệu Trung Quốc vốn vẫn chưa cải thiện hệ thống phân phối và dịch vụ hậu mãi.
Giai đoạn 2023 – 2024, các hãng xe Trung Quốc một lần nữa đặt chân vào thị trường Việt Nam. Nhưng lần này đã có chiến lược bài bản hơn khi hàng loạt thương hiệu lớn đã thiết lập hệ thống phân phối chính hãng, mở rộng mạng lưới xưởng dịch vụ và tổ chức các chiến dịch truyền thông quy mô lớn.
Việc tăng cường mạnh mẽ và nhanh chóng các điểm bán hàng và dịch vụ giúp người tiêu dùng có trải nghiệm tốt hơn, xóa bỏ lo ngại về thiếu phụ tùng thay thế và các vấn đề bảo hành, sửa chữa.
Chẳng hạn, chỉ trong vòng một năm qua, số lượng đại lý ô tô Trung Quốc đã tăng gấp đôi, đạt khoảng 50 đại lý chính hãng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Thêm vào đó, một số hãng xe đã thuyết phục thành công các nhà đầu tư Việt Nam xây dựng nhà máy lắp ráp. Điều này không chỉ giúp giảm đáng kể giá thành sản phẩm do tiết kiệm chi phí nhập khẩu và thuế, mà còn mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Các nhà máy lắp ráp ô tô tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận công nghệ sản xuất ô tô hiện đại và xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện nội địa, từng bước gia tăng tính tự chủ cho nền kinh tế.
Tất cả những điều trên đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại niềm tin, điều mà các thương hiệu Trung Quốc đã đánh mất từ lâu.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác, các hãng xe Trung Quốc giờ đây phần lớn không còn tập trung vào lợi thế giá rẻ mà chuyển sang tạo ra giá trị thực sự cho người tiêu dùng. Từ thiết kế hiện đại, không còn "nhái kiểu dáng" khiến người tiêu dùng e dè khi lái một chiếc ô tô giống xe khác ra đường, đến việc tích hợp công nghệ tiên tiến, đầu tư lớn và bài bản. Các dòng xe Trung Quốc bước đầu có thể coi đang nhận được cái nhìn thiện cảm hơn.
Rõ ràng các hãng xe Trung Quốc đã phải nhìn nhận và thay đổi cách tiếp cận với khách hàng Việt Nam, một thị trường tuy nhỏ nhưng khó tính bậc nhất khu vực.
Việc lựa chọn trúng phân khúc khách hàng và tiếp cận đúng về mặt sản phẩm đã tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, có thể từng bước lấy lại lòng tin cũng như thay đổi cái nhìn của khách hàng về xe Trung Quốc nếu chất lượng, cách phục vụ thực sự nâng lên.
Sự trở lại lần này của các hãng xe Trung Quốc không chỉ mang tính cạnh tranh mà còn thúc đẩy thị trường ô tô Việt Nam phát triển theo hướng đa dạng và hiện đại hơn. Đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng Việt có thêm lựa chọn, không chỉ về giá mà còn về chất lượng và công nghệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận