Chìa khóa thành công của công nghiệp hóa dựa vào ngành công nghiệp chế tạo, mà trụ cột là ngành công nghiệp ô tô. Xây dựng thành công một thương hiệu ô tô Việt Nam đạt đẳng cấp thế giới không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn giúp khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam.
Chúng tôi có một chương trình nghiên cứu dài hạn về công nghiệp hóa, với sự hợp tác của các giáo sư quốc tế, nhờ đó chúng tôi hiểu rất sâu về ngành công nghiệp ô tô. Vì thế, tôi đánh giá rất cao sự lựa chọn của Vingroup đi vào ngành công nghiệp ô tô và tạo ra một thương hiệu lớn tầm cỡ quốc tế là VinFast.
Đấy có thể coi là bước đi chiến lược và lẽ ra phải được sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước và toàn dân. Vì chúng ta biết với một nền kinh tế thì công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp trụ cột, không chỉ tạo ra ô tô cho tiêu dùng mà còn tạo ra ô tô cho vận tải, vận chuyển, ô tô cho an ninh quốc phòng… Tức là một ngành công nghiệp lưỡng dụng, có thể lan tỏa ra thành trụ cột kinh tế quan trọng của đất nước. Nên việc VinGroup chọn công nghiệp ô tô là lựa chọn chiến lược, táo bạo, có tầm nhìn dài hạn về triển vọng của quốc gia đông dân như Việt Nam.
Nhưng đấy cũng là lựa chọn đầy khó khăn vì công nghiệp ô tô đối với Việt Nam là ngành kinh tế non trẻ, trong khi đó chúng ta đã mở cửa hoàn toàn cho ngành ô tô của nước ngoài vào Việt Nam từ lâu rồi.
Như thế, công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ phải đối chọi với những đối thủ cạnh tranh rất lớn, rất có kinh nghiệm, giàu cả về tiền tài lẫn công nghệ. Nên đấy có thể coi là lựa chọn táo bạo, nếu ko có sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ, của hệ thống ngân hàng và của người tiêu dùng, nhất là tầng lớp trẻ, thì cuộc chiến tạo lập một ngành ô tô trụ cột công nghiệp quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ sự ra đời của Hyundai của Hàn Quốc, được đích thân Tổng thống Park Chung-hee chỉ định phải phát triển ngành này, cho đất nước, Chính phủ bảo lãnh cho Hyundai vay vốn nước ngoài để đầu tư vì khối lượng vốn cần rất lớn.
Còn ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng đã được tư nhân hóa từ sớm, ngân hàng đều rất nhỏ. Các ngân hàng cũng ưu tiên cho vay các dự án ngắn hạn, vì vậy không có nhiều tiền tập trung cho công nghiệp. Toàn bộ mặt bằng lãi suất được nâng lên rất cao, ngang bằng lãi suất của bất động sản. Như vậy ko thể làm công nghiệp, làm ô tô được. Nên có thể nói những khó khăn và VinFast phải vượt qua về tài chính, vốn là rất lớn. Khó khăn về vốn cũng là nguyên nhân toàn ngành công nghiệp ô tô của Đông Nam Á thất bại.
VinGroup đã rất sáng tạo khi đưa VinFast lên sàn để có thể huy động vốn quốc tế. Nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ. Những khó khăn và VinFats phải trải qua trong thời gian vừa rồi chúng tôi cho là nỗ lực phi thường.
Thứ hai, chúng ta gặp khó khăn về đội ngũ kĩ sư. Làm công nghiệp chế tạo, sản xuất ô tô chúng ta cần đội ngũ lành nghề, số lượng lớn cả nghìn người. Đào tạo đâu ra cả nghìn người như thế? Đấy cũng là một trong những khó khăn và VinFast mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải đối mặt.
Cuối cùng, ô tô nội địa bị nước ngoài cạnh tranh rất khốc liệt, mà người Việt Nam sớm có tư duy chuộng ngoại, thích sản phẩm nước ngoài. Khác hoàn toàn Hàn Quốc.
Hàn Quốc là quốc gia mà toàn bộ sản phẩm công nghiệp họ dùng đồ nội địa, từ dân thường tới Tổng thống đều dùng xe Hàn Quốc, điện thoại Hàn Quốc và các sản phẩm công nghệ Hàn Quốc. Điều đó cho thấy người ta có ý chí đoàn kết rất lớn để hỗ trợ cho phát triển ngành công nghiệp trụ cột. Đồng thời cho thấy một chiến lược dài hạn của Chính phủ Hàn Quốc với những quyết tâm cả từ Chính phủ đến người dân làm thế nào để phát triển một ngành công nghiệp mũi nhọn là ngành ô tô, và lan tỏa sang các ngành liên quan như sản xuất thép, đóng tàu… Bây giờ Hàn Quốc đã có một ngành công nghiệp vững mạnh. Đấy có thể coi là tấm gương cho người Việt Nam, là một bài học cho Việt Nam để xây dựng một nền công nghiệp trong tương lai.
Với doanh nghiệp ô tô thì phải xuất khẩu mới tồn tại được. Dựa vào thị trường nội địa thì đã bị các đối tác bên ngoài cạnh tranh khốc liệt. Xuất khẩu có 2 vấn đề lớn.
Một là, cải cách công nghệ để hướng tới sản phẩm xanh, tức là xe điện.
Hai là, khi có được xe điện thì mới dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn rẻ của quốc tế. Người ta có những khoản tài chính hỗ trợ cho ngành công nghiệp giảm phát thải. Cái này VinGroup và VinFast đã tận dụng rất tốt, và đã có bước tiến khá xa khi niêm yết thành công trên sàn Nasdaq. Đó là nơi mở ra cơ hội lớn để huy động tài chính cho phát triển.
Ngành công nghiệp ô tô vốn tính bằng tiền tỷ USD. Nói như vậy để thấy VinFast là doanh nghiệp tiên phong trong ngành công nghiệp mũi nhọn, rường cột của quốc gia, rất cần sự hỗ trợ cả về chính sách của Chính phủ và hướng tiêu dùng của người dân.
Có thể nói, tất cả ngành công nghiệp ô tô trên thế giới đều đi lên từ sự bảo hộ của Chính phủ. Cho đến nay, họ đã đứng trên đỉnh cao và họ đạp đổ thang bảo hộ đi, họ nói với tất cả doanh nghiệp đi sau rằng chúng ta phải cạnh tranh bình đẳng, công bằng. Hiệp định GATT hay quy chế của WTO là trở ngại rất lớn cho các quốc gia phát triển ô tô sau, cho các quốc gia có ngành ô tô non trẻ. Cơ hội để tài trợ cho ngành ô tô đều bị soi rất kĩ bởi các quốc gia có ngành ô tô phát triển bởi họ không muốn quốc gia nào phát triển được.
Hàn Quốc đã có bước đi thông minh, tận dụng sức mạnh từ 2 nền tảng, đó là sự hỗ trợ sân sau của Chính phủ, và quan trọng nhất là họ huy động lực lượng dân chúng và doanh nghiệp nội địa, từ Tổng thống đến người dân thường để hỗ trợ cho ngành ô tô, tạo ra sức mạnh tài chính khổng lồ, khiến cho tất cả các đối thủ quốc tế muốn lợi dụng WTO hay hiệp định GATT để chống lại Hyundai đều không thành công. Bởi đây là quyết định của người tiêu dùng, của người dân Hàn Quốc, người ta không mua xe ngoại, chỉ mua xe Hyundai là quyền của họ.
Thành công vang dội của Hyundai đến nay là nhờ sức mạnh tổng hợp của người tiêu dùng nội địa Hàn Quốc. Họ có ý thức đến mức ngay cả người Hàn Quốc sống ở nước ngoài khi mua xe ô tô để đi họ cũng vẫn đi xe Hàn Quốc, không bao giờ mua xe nước khác. Ý thức dân tộc của họ ghê gớm đến vậy. Đó không chỉ là sức mạnh tinh thần, mà còn là lá chắn để đối chọi với cạnh tranh quốc tế từ các hãng ô tô khác.
Ngành ô tô của Đông Nam Á có thể coi là ngành bị thất bại thảm hại. Những hãng như Proton của Malaysia, hay Thái Lan cũng phấn đấu để có một ngành ô tô đứng riêng tên mình nhưng chưa làm được. Chúng ta tự hào Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á, phát triển ngành ô tô sau nhất nhưng đến bây giờ đã có một hãng ô tô thương hiệu Việt Nam thực sự. Đó là điều cả thế giới thừa nhận. Trong số 100 doanh nghiệp ảnh hưởng lớn nhất thế giới theo xếp hạng của TIME thì có hãng xe điện Việt Nam VinFast. Đó là niềm tự hào của người Việt chúng ta.
Trên thực tế, ô tô VinFast hình thức rất đẹp, chất lượng rất tốt. Một vài trục trặc nhỏ là bình thường. Ngay cả Mercedes bây giờ vẫn triệu hồi cả trăm nghìn xe về để chỉnh sửa. Toyota thường xuyên phải triệu hồi. Đó là bình thường. Ngay cả Hyundai, từ khi mua bản quyền của Misubishi (hãng bé nhất của người Nhật lúc bấy giờ) để sản xuất, 19 năm sau ô tô mới xuất xưởng và đi trên đường. (Nhưng khi ra đường xe còn bị rơi mất cửa phía trước).
VinFast chỉ sau 2 năm đã có xe lăn bánh thương mại. Đó là sự nỗ lực ghê gớm, đáng khâm phục. Đạt được chất lượng và hình thức như bây giờ là sự nỗ lực rất lớn. Chúng ta cứ so sánh một đứa trẻ mới ra đời với một chàng thành niên lực lưỡng mà ko biết rằng chàng thanh niên lực lưỡng đó khi mới ra đời còn sài đẹn hơn chúng ta rất nhiều. Hãng Hyundai như tôi vừa nói.
Nói như thế để thấy một nỗ lực rất đáng khâm phục, rất đáng tự hào của VinFast, là người Việt Nam chúng ta phải suy nghĩ có tầm chiến lược, suy nghĩ một cách chuyên nghiệp, theo cách của một công dân công nghiệp. Đấy là những hạt giống công nghiệp vô cùng quý giá của dân tộc chúng ta, nó không chỉ có giá trị đơn thuần là đi trên đường mà còn có giá trị to lớn cho cả ngành công nghiệp trong tương lai, là động lực quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á như Nghị quyết của Đảng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận