Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Thông tư hướng dẫn này phải đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau khi có báo cáo kết quả của đoàn công tác liên ngành hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam. Phó Thủ tướng nêu rõ việc cần khẩn trương sửa đổi, ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 của Nghị định 116 quy định về quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện sản xuất ôtô theo quy định mới. Nội dung quy định phải phù hợp với thực tiễn, đơn giản hóa các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Tài chính duy trì đoàn công tác liên ngành đến làm việc với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để nắm bắt, hướng dẫn doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Trong trường hợp nếu các vướng mắc vượt quá thẩm quyền, các bộ phải kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa của ô tô trong nội khối ASEAN khi nhập khẩu vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi về thuế theo cam kết |
Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương làm việc với một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô để thống nhất chuẩn hóa tối giản thông tin, dữ liệu thuộc hồ sơ đăng ký nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý bổ sung dây chuyền kiểm tra, thử nghiệm an toàn và môi trường nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Nghị định 116.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa của ô tô trong nội khối ASEAN khi nhập khẩu vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi về thuế theo cam kết. Tiếp đến, cần xem xét, hướng dẫn, xử lý từng trường hợp cụ thể đối với vấn đề về đường thử theo chỉ đạo tại Thông báo số 80/TB-VPCP ngày 9/6/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT tiếp tục duy trì đoàn công tác liên ngành để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ôtô thực hiện nghiêm Nghị định 116, chủ động xử lý các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền. Nếu các vấn đề vượt tẩm quyền thì cần đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 6. Trách nhiệm bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu 1. Đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước: a) Trường hợp kiểu loại ô tô có sự thay đổi tính tiện nghi và thẩm mỹ nhưng không làm thay đổi các thông số an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được sử dụng làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận kiểu loại thì doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô được sử dụng kết quả chứng nhận đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho kiểu loại ô tô trước đó; b) Các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành của ô tô thuộc phạm vi áp dụng của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải được thử nghiệm và chứng nhận theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng tại Việt Nam; c) Trường hợp chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành nhập khẩu từ nước ngoài đã có kết quả chứng nhận sự phù hợp về chất lượng từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận xe cơ giới thì thực hiện theo thỏa thuận; d) Kiểu loại chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành nhập khẩu của ô tô được cơ quan quản lý chất lượng Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho Đại diện hợp pháp tại Việt Nam của doanh nghiệp sản xuất nước ngoài thì các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô được sử dụng kiểu loại chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành này mà không phải thử nghiệm, chứng nhận lại; đ) Kết quả kiểm tra, chứng nhận chất lượng ô tô, các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành có hiệu lực trong thời hạn 36 tháng. (Trích khoản 1, Điều 6, Nghị định 116) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận