Lawrence xứ Ả Rập thực ra không hề có gốc gác Trung Đông. Ông là một người Anh sinh năm 1888, tên thật là Thomas Edward Lawrence, người đảm nhiệm nhiều vai trò trong lịch sử giai đoạn từ trước Thế chiến lần thứ nhất đến năm 1935.
Ông là một nhà khảo cổ học, sĩ quan quân đội, nhà ngoại giao, nhà văn và có những đóng góp quan trọng chống lại đế chế Ottoman trong Thế chiến thứ nhất.
Sau này, nhiều tiểu thuyết và tác phẩm điện ảnh kinh điển đều kể lại câu chuyện về cuộc đời ông, cùng mang tựa đề “Lawrence of Arabia”.
Năm 1963, bộ phim “Lawrence of Arabia” đoạt 7 giải Oscar của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ, đồng thời được thừa nhận là bộ phim sử thi hoành tráng nhất của lịch sử điện ảnh thế giới.
Trở lại câu chuyện về cuộc đời ông, Thomas Edward Lawrence rất ham mê xe mô tô, thường dùng mô tô để di chuyển tại những nơi ông sinh sống, làm việc.
Hai tháng sau khi rời quân đội Anh, sống và làm việc với tư cách một nhà văn, ông bất ngờ bị tai nạn vào ngày 13/5/1935 khi đang chạy chiếc mô tô Brough Superior SS100 ở khu làng thuộc hạt Dorset (Anh), bị chấn thương nặng ở đầu.
Người nỗ lực cứu chữa Lawrence trong suốt 6 ngày liền là bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hugh Cairns, nhưng mọi nỗ lực bất thành. Lawrence xứ Ả Rập qua đời ngày 19/5/1935.
Sau cái chết của Lawrence, bác sỹ Hugh Cairns bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về cái chết hoặc chấn thương sọ não của những con người lẽ ra có thể đóng góp nhiều hơn cho nhân loại, nếu họ được bảo vệ phần đầu khi đi xe mô tô.
Ông là người tiên phong khởi động một nghiên cứu về tỷ lệ thương tích, tử vong của người đi xe máy, và khi Thế chiến II nổ ra, con số thực sự đáng kinh ngạc.
Trong nghiên cứu của Cairn, ông ghi chép rằng 2.289 người đi xe máy đã tử vong tại Anh trong 21 tháng đầu của Thế chiến II, cao hơn 21% so với thời gian bình thường không có chiến tranh.
Lúc đó, xe mô tô là một phần không thể thiếu trong việc huy động lực lượng vũ trang. Nhưng tính hữu dụng của chúng sẽ giảm đi rất nhiều nếu binh lính tiếp tục tử vong do chạy xe mô tô.
Vì vậy, bác sỹ Cairns đề xuất rằng số người chết, hoặc chấn thương não có thể giảm mạnh nếu người ngồi trên xe mô tô đội một chiếc mũ bảo vệ đầu.
Từ đó, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm lần đầu tiên trở thành quy định trong quân đội Anh từ tháng 11/1941, mở đường cho việc phổ quát quy định này ra nhiều nước và khắp thế giới cho đến nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận