Phạm vi sử dụng xe điện vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, nếu chỉ đi trong đô thị với quãng đường di chuyển dưới 160km một ngày thì việc sạc pin ô tô điện không quá đáng lo. Thậm chí, chỉ cần sạc qua đêm tại nhà cũng đủ cho hành trình vào ngày mai.
Nhìn chung, mọi người mua ô tô điện đều có chung nỗi lo là không có trạm sạc điện, phạm vi di chuyển không xa, chi phí sở hữu xe điện cao hơn xe xăng, cũng như độ bền không cao và phụ phí sửa chữa, thay thế hệ thống pin đắt đỏ.
Trên thực tế, chỉ khi người sở hữu xe điện có nhà và gara riêng biệt được trang bị hệ thống sạc điện mới có thể tự thực hiện được việc sạc pin xe điện tại nhà.
Ngược lại, những người ở chung cư hoặc gửi ở các bãi giữ xe sẽ phụ thuộc vào hạ tầng trạm sạc tại nơi đó. Hãng xe nào có hạ tầng sạc phủ sóng khắp nơi của riêng mình thì sẽ chiếm ưu thế trên thị trường.
"Người tiêu dùng sẽ miễn cưỡng mua xe điện cho đến khi họ có thể nhìn thấy bộ sạc ở khắp mọi nơi. Điều này ngược lại với người đi xe động cơ đốt trong. Họ không bao giờ lo lắng về việc thiếu trạm xăng trên đường đi", một đánh giá trên tờ Financial Times (Anh).
Tại thị trường Việt Nam, hạ tầng trạm sạc đang dần phát triển mạnh mẽ, nhưng phần lớn các hãng sở hữu trạm sạc không sẵn sàng chia sẻ quyền sử dụng với những hãng xe khác. Từ đó, sẽ trở thành rào cản lớn để các hãng xe điện Trung Quốc có thể gia nhập thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, tình thế sẽ thuận lợi hơn với xe điện theo thời gian. Người sử dụng nhiều hơn thì hạ tầng trạm sạc cũng dày hơn, việc thay thế phụ tùng cũng rẻ hơn và giá xe giảm xuống vì quy mô sản xuất lớn. Các hãng xe cũng có thể đồng ý chia sẻ quyền sử dụng trạm sạc khi mật độ trạm sạc đã đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Điều này có thể thấy qua việc ô tô điện Trung Quốc đang tràn ngập thị trường châu Âu. Ủy ban Châu Âu cho biết thị phần ô tô điện Trung Quốc bán ở châu Âu đã tăng lên 8% và có thể đạt 15% vào năm 2025, do giá xe điện Trung Quốc thấp hơn 20% so với xe điện do châu Âu sản xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận