Theo kỹ sư điện Nguyễn Thành Thắng (Công ty TNHH thiết bị điện Emic, Hà Nội), quá trình nạp pin xe điện luôn yêu cầu phải sử dụng đúng thiết bị chính hãng. Đây là khuyến cáo trọng tâm, ghi rất rõ trong tài liệu hướng dẫn sử dụng mọi loại xe.
Trong quá trình nạp điện, theo đặc tính làm việc các thiết bị đầu cuối đều có hiện tượng nóng lên tỏa nhiệt, gồm bộ sạc - nơi chuyển đổi từ điện lưới 110V - 220V thành dòng nhỏ hơn từ 12 - 15V.
Nơi tích trữ điện năng là khối pin (hoặc bình ắc quy) cũng phát sinh nhiệt, nóng lên trong quá trình nạp và xả.
Bộ sạc tại nhà của mẫu xe điện mini đang bán tại thị trường Việt Nam, phích cắm 3 chân để tránh rò rỉ điện. Ảnh: Lam Anh.
Chính vì vậy, các hãng xe đều phải chế tạo lớp bảo vệ đặc biệt cho khối pin nhằm chống quá nhiệt.
Thường là hệ thống làm mát pin bằng quạt giải nhiệt, kèm lớp vỏ bao bọc bằng hợp kim nhôm, vừa để chống cháy nổ và vừa kín nước.
Về phía các hãng bảo hiểm cũng xác định nguy cơ cháy nổ pin khi sạc xe điện có hệ số rủi ro lớn, khách hàng sẽ bị loại trừ bảo hiểm nếu người dùng không sử dụng bộ sạc chính hãng.
Ở đây yếu tố “chính hãng” được nhấn mạnh do chỉ có nhà sản xuất mới nắm rõ thông số kỹ thuật điện áp phù hợp với viên pin của từng loại xe, từ đó chế tạo ra bộ sạc tương thích.
Nếu thiết bị sạc không đạt quy chuẩn của nhà sản xuất sẽ dẫn đến quá nhiệt, thậm chí phát sinh tia lửa điện gây cháy.
Theo kỹ sư Thắng, loại rủi ro chủ quan thường thấy là khi người dùng tự ý thiết kế, độ chế vào xe như tăng công suất, lắp thêm các thiết bị phụ trợ ảnh hưởng đến tiêu hao năng lượng điện.
Đặc biệt là khi dùng xe điện cỡ nhỏ, nếu bình ắc quy (hoặc pin) kém chất lượng, được tái chế nhiều lần cũng là một trong các nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ.
Việc sạc liên tục qua đêm, sạc kéo dài quá mức cũng là một loại rủi ro. Với loại pin không tích hợp bộ ngắt sạc tự động cũng gây quá nhiệt, tiềm ẩn chập cháy.
Thêm nữa, các hãng xe đều mặc định loại phích cắm để nạp pin phải có ba chân, với chân thứ ba nối vào dây tiếp địa (nối đất) để đảm bảo an toàn cho người dùng khỏi bị điện giật.
Các rủi ro khách quan ngoại cảnh khác dẫn đến chập cháy có thể liệt kê ra, như phích cắm ổ sạc bị ẩm ướt, sạc nơi không thông thoáng để thiết bị có thể tản nhiệt cũng cần lưu ý, phòng tránh sự cố cháy nổ xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận