Trong thời gian qua số lượng xe bán tải tăng mạnh do chỉ chịu mức lệ phí trước bạ 2% |
Theo dự thảo Nghị định mới, sẽ nâng mức tính lệ phí trước bạ (LPTB) đối với xe bán tải (pick-up) và xe VAN lên mức 60% so với xe con. Theo tính toán, khi quy định này được thông qua và có hiệu lực, khách hàng sẽ phải chi thêm vài chục triệu đồng để sở hữu một chiếc xe.
Xe bán tải, xe VAN sẽ tăng giá?
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về lệ phí trước bạ (LPTB). Theo nội dung dự thảo, xe bán tải (pick-up), xe tải VAN có mức thu lần đầu sẽ bằng 60% ô tô con. Còn mức biến động giá chuyển nhượng ô tô, xe máy dự kiến giảm từ 20% hiện nay xuống còn 10%.
Về mức thu theo quy định tại Nghị định 140 đang áp dụng, mức thu lần đầu đối với ô tô không phải là ô tô con (bao gồm cả xe bán tải chở hàng và ô tô tải VAN) là 2%. Đây được coi là một lợi thế của dòng xe bán tải và xe VAN khi chỉ phải chịu mức tính LPTB thấp hơn nhiều các dòng xe con. Theo Bộ Tài chính, hiện nay xe bán tải chở hàng và xe ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống vừa chở người, vừa chở hàng, được áp dụng các hệ thống báo hiệu đường bộ như đối với xe ô tô con (xe chở người từ 9 chỗ trở xuống). Vì vậy, cần thiết điều chỉnh mức thu lệ phí lần đầu đối với loại xe này để đảm bảo công bằng với xe ô tô con.
Theo Bộ Tài chính, lệ phí trước bạ là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%. Số thu của khoản này giai đoạn 2012-2017 bình quân đang chiếm khoảng 2% tổng thu ngân sách, tương đương với 2,8% tổng thu nội địa. Tuy nhiên, các quy định đã dần bộc lộ những điểm hạn chế cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam hiện nay. |
Thực tế, trong giai đoạn năm 2012 - 2017, số lượng xe bán tải, gồm cả xe chở hàng và xe chở người (nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước) tăng theo từng năm, đặc biệt tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nhanh (xe bán tải nhập khẩu năm 2017 là 28.482 chiếc, tăng 8,7 lần). Từ thực tế trên, Bộ Tài chính đề nghị mức thu lần đầu với dòng xe này bằng 60% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô con. Mức thu lần thứ 2 trở đi là 2%.
Hiện tại, Hà Nội là địa phương quy định mức thu LPTB đối với ô tô con cao nhất (12%). Theo tính toán, nếu dự thảo Nghị định đi vào thực tế thì xe pick-up và xe VAN sẽ tăng mức LPTB từ 6 - 7,2% so với mức 2% như hiện nay. Khi đó, để lăn bánh một chiếc xe bán tải, khách hàng sẽ phải chi thêm đáng kể.
Ví dụ, một chiếc Toyota Hilux phiên bản thấp nhất hiện có giá lăn bánh 717 triệu đồng nếu áp dụng cách tính như dự thảo Nghị định, giá lăn bánh mẫu xe này tại Hà Nội sẽ vào khoảng 749 triệu đồng (tăng 32 triệu đồng) và tại TP Hồ Chí Minh là 740 triệu đồng (tăng 23 triệu đồng). Hay như mẫu Ford Ranger bản cao cấp nhất có giá lăn bánh khoảng 947 triệu đồng nếu áp dụng mức thu LPTB như dự thảo sẽ tăng lên thành khoảng 984 triệu đồng tại TP Hồ Chí Minh và đến 995 triệu đồng tại Hà Nội (tăng từ 37 - 48 triệu đồng).
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh cách thức điều chỉnh bảng giá tính LPTB. Theo đó, sẽ điều chỉnh khung giá tính LPTB khi có mức biến động về giá ở mức 10% thay vì mức 20% như hiện nay. Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, giá bán trên thị trường của nhiều dòng xe có xu hướng giảm nhưng chưa đến 20% (đối với ô tô, mức giảm giá phổ biến ở từ 2 - 7% và mức tăng giá phổ biến từ 2 - 6%; đối với xe máy mức tăng giá phổ biến từ 1 - 3% và giảm giá không nhiều) nên chưa đủ điều kiện để điều chỉnh bảng giá tính LPTB. Vì vậy, dự thảo Nghị định đã đề xuất giảm mức biến động giá chuyển nhượng ô tô, xe máy để tính LPTB từ 20% như hiện nay xuống còn 10%. Điều này có nghĩa, nếu một chiếc xe có biến động giá từ 10% trở lên thì sẽ được áp mức giá chuyển nhượng mới để tính LPTB mới thay vì phải có mức biến động 20% như hiện nay.
Tuy nhiên, theo đại diện một hãng ô tô tại Việt Nam, mức tăng - giảm giá đối với cả ô tô lẫn xe máy ở mức 10% rất khó xảy ra. Vì thế, nếu áp dụng quy định này khách hàng vẫn sẽ là những người chịu thiệt bởi nếu một chiếc xe giá 500 triệu đồng giảm xuống còn 460 triệu đồng (chưa vượt quá 10%) thì khách hàng vẫn chưa được áp mức đóng LPTB mới. Bên cạnh đó, nếu hãng xe tăng giá bán chưa tới 10% thì khách hàng vẫn sẽ phải đóng LPTB theo giá ghi trong hóa đơn.
Xe bán tải giảm sức cạnh tranh
Anh Lê Đức Nguyên (Nguyễn Thị Định, Hà Nội), một người kinh doanh ô tô tại Hà Nội cho biết, trước đây, người tiêu dùng mua xe bán tải phần lớn vì mức LPTB thấp (2%) và tiền biển số rẻ (500 nghìn đồng). Khi mua xe bán tải, gần như họ được sở hữu một chiếc xe có giá lăn bánh sát với giá bán của chiếc xe, lại có trang bị như một chiếc SUV và không bị hạn chế về mặt lưu thông trên đường phố như xe tải. Tuy nhiên, nếu theo dự thảo Nghị định mới, mức thu LPTB đối với xe bán tải sẽ tăng lên sẽ khiến dòng xe này giảm sức cạnh tranh với các dòng xe khác.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu xe bán tải cũng cho rằng, nếu tăng mức thu LPTB đối với xe bán tải, xe VAN, lượng khách hàng tìm mua 2 dòng xe này sẽ giảm, đặc biệt đối với xe bán tải. Tuy nhiên, những người có nhu cầu thực sự vẫn sẽ tìm mua dòng xe này và chấp nhận bỏ thêm vài chục triệu đồng để sở hữu xe.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc tăng mức thu LPTB đối với xe bán tải không làm ảnh hưởng đến doanh số thị trường xe bán tải hiện nay. “Xe bán tải là loại xe đa dụng, phục vụ được nhiều nhu cầu của người dùng, vừa để đi lại dùng trong sinh hoạt vừa có thể vận tải được. Bên cạnh đó, xe bán tải tiết kiệm nhiên liệu do sử dụng động cơ dầu diesel nên mua xe bán tải vừa đảm bảo được mục đích sử dụng hàng ngày, lại là một chiếc xe kinh tế nên chắc chắn dù có bị tăng mức thu LPTB nhiều người vẫn sẽ tìm mua dòng xe này”, ông Long cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận