Xe nhỏ tiết kiệm nhiên liệu sẽ có lợi thế ở thị trường Việt Nam trong thời gian tới? - Ảnh minh họa |
Ý kiến trên vừa được Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đưa ra tại Hội thảo về cơ hội, thách thức của Việt Nam khi trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới sau năm 2015 hôm 24/10.
Dẫn chứng cho phát biểu trên, ông Cao Quốc Hưng cho hay, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ chỉ đạt khoảng 10% so với mục tiêu 40%, mức đủ để xe sản xuất tại Việt Nam hưởng thuế nhập khẩu bằng 0 khi xuất sang các nước trong khu vực Asian sau năm 2018.
Tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe tại doanh nghiệp hiện nay dao động từ 7 đến 10%, cao nhất là Thaco Trường Hải với mức 18%. Không những vậy, các doanh nghiệp phụ trợ mới chỉ mới sản xuất được các phụ tùng đơn giản như gương, kính, ghế ngồi, dây điện,...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, sau 20 năm phấn đấu, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng đạt được một số thành tựu khi đã có 45 doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô; 60 doanh nghiệp sản xuất khung, gầm và thùng xe; 210 đơn vị sản xuất linh phụ kiện và 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia sản xuất.
Hiện tại, Việt Nam đã hình thành được ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp được một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, với kim ngạch đạt trên 3 tỷ USD mỗi năm.
Ông Cao Quốc Hưng nhận định, đến 2020, thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ được khoảng 340.000-400.000 ô tô và gia tăng lên con số 660.000-800.000 xe vào năm 2025, mà dòng xe chủ lực tập trung vào các loại có giá rẻ, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít nhiên liệu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận