Vụ việc đau lòng với 1 học sinh trường liên cấp Gateway (Hà Nội) bị bỏ quên trên xe minibus dẫn đến tử vong xảy ra hôm 6/8/2019 là khá hy hữu. Tuy nhiên những tình huống tương tự năm nào cũng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.
Hiện nay, theo thống kê, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có khoảng 100 trường học sử dụng dịch vụ xe buýt đưa đón học sinh. Nếu tính cả nước thì có thể đến con số hàng nghìn trường học sử dụng xe buýt (hoặc mini buýt) đưa đón học sinh hàng ngày.
Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần dạy cho con những kỹ năng sinh tồn dưới đây, trẻ từ 4-5 tuổi trở lên có thể tiếp thu và ứng dụng được nếu không may rơi vào tình huống tương tự.
Bấm còi xe
Còi xe ô tô luôn hoạt động kể cả khi xe không khởi động, rút chìa khỏi ổ và khóa từ bên ngoài. Khi bị bỏ rơi trên xe ô tô, trẻ cần đến vị trí vô lăng xe, tìm kiếm hình ký hiệu còi xe và nhấn liên tục để thu hút sự chú ý từ những người xung quanh. Còi xe vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ ắc quy, còi bấm cả ngày không lo hết điện. Việc gây tiếng ồn sẽ gây sự chú ý.
Bật đèn khẩn cấp
Đèn khẩn cấp (ký hiệu hình tam giác màu đỏ) cũng được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động. Hãy chỉ cho con nút bật cái đèn này có hình tam giác và rất dễ thấy trên tablo buồng lái. Bấm nó để gây sự chú ý, kết hợp với bấm còi.
Mở cửa xe ở vị trí của ghế lái
Xe ô tô khi không cắm chìa khoá và khi xe đã khóa thì vẫn có thể mở được từ bên trong tại vị trí của ghế lái. Hãy hướng dẫn con mở cửa từ vị trí này. Khi mở cửa mà không có chìa khoá, còi báo động (chống trộm) trên xe sẽ kêu lên.
Đập mạnh vào cửa
Cần dạy trẻ rằng nếu cần, dùng hết sức hoặc bất cứ vật gì nặng trên xe đập cửa thật mạnh, hét thật to để người bên ngoài nghe được, sẽ tìm cách giải cứu.
Tìm cách phá kính ô tô
Các xe buýt chở học sinh hầu hết có búa thoát hiểm, thiết kế để có đầu nhọn tập trung lực, do đó với một lực nhỏ của trẻ cũng có thể đập vỡ kính, không cần quá nhiều sức. Mặt khác, khi bị đập vỡ, kính xe sẽ vỡ vụn dạng hạt ngô, không có mảnh sắc nên cũng yên tâm rằng không gây tổn hại đến các con. Nếu trên xe không có dụng cụ phá kính, hãy dạy trẻ tìm các dụng cụ, đồ vật cứng để tìm cách phá kính và thoát ra.
Liên lạc với mọi người ở bên ngoài
Với trẻ đã đến tuổi đến trường (khoảng từ 6 tuổi trở lên), trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị hay với trẻ lớn hơn là một chiếc điện thoại để liên lạc trong trường hợp cấp bách vô cùng cần thiết. Bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách gọi điện với bố mẹ, giáo viên hoặc cảnh sát, cứu thương.
Các nước quy định thế nào với xe buýt nhà trường
Tờ báo Hàn Quốc Korea Joongang Daily (phiên bản tiếng Anh) đưa tin, tháng 7/2018, một bé gái 4 tuổi ở Dongducheon, phía bắc Seoul đã tử vong sau khi bị bỏ lại một mình trên xe buýt của trường. Trước đó, năm 2016, một bé trai 3 tuổi sống tại thành phố Gwangju bị hôn mê và phải cấp cứu sau 7 giờ bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh mẫu giáo.
Sau những vụ việc đau lòng này, nhiều người đã ký đơn trực tuyến trên trang web của văn phòng Tổng thống, yêu cầu chính quyền có biện pháp mạnh tay để đảm bảo an toàn cho học sinh trên các chuyến xe đưa đón của trường học.
Ngay sau đó, Chính phủ Hàn Quốc ban hành quy định, đến cuối năm 2018 tất cả các xe buýt đưa đón học sinh mẫu giáo trên toàn quốc phải lắp đặt hệ thống báo động trên xe gọi là hệ thống "Sleeping Child Check" - phát hiện trẻ ngủ, cùng rất nhiều nội dung khác nữa nhằm tăng trách nhiệm của cơ sở giáo dục và giáo viên.
Đồng thời, hệ thống Sleeping Child Check lần đầu được lắp đặt trên 53 xe đưa đón của các trường tiểu học công lập ở thủ đô Seoul.
Công nghệ NFC được sử dụng để phát hiện học sinh ngủ quên trên xe. Trong vòng 3 phút sau khi xe dừng hẳn, tài xế sẽ đi một vòng kiểm tra rồi nhấn nút ở cuối xe. Hệ thống sau đó tự động phát hiện học sinh còn sót lại nhờ vào các thiết bị được gắn ở cả trong và ngoài xe.
Kết quả sẽ được gửi đến điện thoại của tài xế, phụ huynh và quản trị viên tại trường. Trong trường hợp người lái xe không thực hiện các bước kiểm tra, hệ thống cũng sẽ gửi cảnh báo đến cha mẹ học sinh và nhà trường. Tài xế có thể bị phạt tiền lên tới 130.000 won (khoảng 100 USD) nếu bỏ qua bước kiếm tra này.
Bộ Giáo dục và Phúc lợi Hàn Quốc cam kết hỗ trợ chi phí để thúc đẩy việc lắp đặt thiết bị an toàn trên xe buýt trường học. Hết năm 2018, chính quyền Seoul đã phân bổ ngân sách 4,09 tỷ won (khoảng 3,67 triệu USD) để lắp Sleeping Child Check trên xe đưa đón học sinh.
Tại Mỹ, xe nhà trường (school bus) phải sơn màu vàng (hoặc màu cam) để nổi bật từ xa, đồng thời phương tiện này luôn là một xe được ưu tiên ngang tầm với các xe như cứu hoả, cứu thương, cảnh sát... luôn được nhường đường bởi các phương tiện khác.
Trên xe ngoài các trang thiết bị đặc biệt cho người lái như góc nhìn rõ nét ở tầm cao, các gương chiếu các phía được bố trí to hơn bình thường thì còn các thiết bị y tế cấp cứu, cửa sổ thoáng cửa thoát hiểm...
Bên cạnh đó, xe buýt vàng cần phải trang bị cửa thoát hiểm bên hông và trên trần xe và cửa sổ thoát hiểm mở ra phía ngoài (outward-opening exit window). Xe cũng có hệ thống khóa liên động ngăn động cơ khởi động nếu cửa thoát hiểm bị khóa và chuông báo động trong trường hợp xe đang chạy nhưng cửa thoát hiểm chưa đóng chặt.
Theo NBC, để tăng cường an ninh và đảm bảo an toàn cho trẻ, các xe buýt này được trang bị hệ thống cảnh báo ngăn tình trạng trẻ em bị bỏ quên trên xe như hệ thống quét chuyển động trên xe. Hệ thống này sẽ liên tục quét chuyển động nhiều giờ sau khi xe buýt ngưng chạy.
Ngoài ra hệ thống báo động nâng cấp, được gọi là Kiểm tra trẻ, có nhiệm vụ nhắc nhở các tài xế xe buýt kiểm tra tình trạng học sinh để đảm bảo không có trẻ nào bị bỏ quên lại trên xe. Nếu một tài xế cố gắng rời xe mà không tắt hệ thống an ninh, tiếng còi sẽ vang suốt nửa tiếng hoặc cho đến khi tài xế hoàn thành việc kiểm tra trên xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận