Không dễ phân biệt giữa xe đạp điện với xe máy điện. Ảnh minh họa |
Ghi nhận của PV Báo Giao thông vào thời điểm cận kề quy định bắt buộc đăng ký biển kiểm soát (BKS) xe máy điện theo Thông tư 15/2014/TT-BCA (Bộ Công an) có hiệu lực, số lượng xe máy điện đang bày bán trên thị trường rất lớn và thuộc nhiều chủng loại. Tuy nhiên, không ít “nhà buôn” viện dẫn nhiều lý do nhằm trì hoãn việc trưng giấy chứng nhận đăng kiểm cho những chiếc xe đang rao bán.
Ngược với những địa chỉ phân phối xe máy điện có nguồn gốc rõ ràng, vốn không “giấu” giấy chứng nhận đăng kiểm, thì phần còn lại thường cam kết chất lượng bằng… “miệng” kèm những giải pháp đánh vào tâm lý “hám rẻ” của một bộ phận người tiêu dùng. Mà một trong những cách “tư vấn bán hàng” hữu hiệu cho “nhà buôn” là thuyết phục khách hàng lựa chọn “giải pháp” sử dụng xe máy điện bằng tem kiểm định chất lượng của xe đạp điện.
Khảo sát thực tế cũng cho thấy, số lượng xe máy điện chưa qua đăng kiểm chiếm tỷ lệ không nhỏ. Điều này khá phù hợp với nhận định của Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam, rằng: ”đang có sự chênh lệch khá lớn giữa số lượng xe máy điện trên thị trường với số xe đã qua đăng kiểm và được cấp giấy chứng nhận”.
Trong khi đó, ranh giới phân biệt giữa xe đạp điện với xe máy điện khá “mong manh”, nên việc cố tình tạo ra sự nhập nhằng về kiểu loại xe để trục lợi phi pháp không phải là không có cơ sở, từ đó dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Người sử dụng loại xe “hồn Trương Ba, da hàng thịt” có rất ít cơ hội để “qua mặt” các cơ quan thực thi pháp luật và chắc chắn người dùng sẽ chịu tổn thất thời gian, tài chính, thậm chí còn bị tịch thu phương tiện.
Theo ông Phương, việc nhập nhằng chủng loại xe về nguyên lý là có thể nhưng không dễ để thực hiện, bởi xe đủ tiêu chuẩn đăng kiểm đều phải trải qua các khâu thử nghiệm nghiêm ngặt và được phân định rõ bằng tem kiểm định chất lượng cho xe đạp điện và giấy chứng nhận đăng kiểm đối với xe máy điện.
Do vậy, hầu hết xe “lách” luật và không đầy đủ giấy tờ đều có vấn đề và đều là xe trôi nổi nên chất lượng rất khó được đảm bảo. Cùng với đó, việc tráo đổi linh kiện giữa xe máy điện và xe đạp điện không chỉ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn mà còn có thể khiến xe hỏng, nhất là bộ pin năng lượng.
Xe điện nói chung, vốn dĩ đã tiềm ẩn nguy hiểm do không phát tiếng động trong quá trình vận hành, cộng thêm yếu tố kết cấu xe không được chứng nhận chất lượng, càng làm gia tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn.
Riêng đối với xe đạp điện, do được thiết kế để vận hành với tốc độ thấp (không lớn hơn 25 km/h) nên thường có các đặc điểm chung như: hệ thống phanh có kết cấu đơn giản, có bánh nhỏ, không có giảm xóc, không có đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng cường độ yếu... nếu cố tình tăng công suất động cơ để tăng tốc độ xe thì nguy cơ mất an toàn là rất rõ ràng.
Trên thực tế, người sử dụng xe máy điện và xe đạp điện hiện nay phần lớn là học sinh, chưa đủ trưởng thành nên tâm lý rất dễ bị kích động khi gặp sự cố như va chạm hoặc bị xử phạt. Đây là điều phụ huynh học sinh cần lưu ý, tránh cho các em những ẩn hoa khôn lường do tai nạn hoặc do cách phản ứng tiêu cực gây nên.
Phúc Lâm
Kỳ tới: Các bí quyết để không mua nhầm xe máy điện hoán cải
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận