Vụ tai nạn giữa hai xe khách giường nằm ở Bình Thuận rạng sáng ngày 22/5 đã làm cho 12 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương |
Thêm một vụ tai nạn thảm khốc giữa hai xe chở khách vừa xảy ra tại Bình Thuận, khiến 12 người chết tại chỗ và gần 40 hành khách bị thương. Hai chiếc xe khách gặp nạn đều là xe giường nằm, chủng loại xe vốn đang gây tranh cãi về việc có nên tồn tại trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, do bị đánh giá thấp về mức độ bảo vệ người trong các vụ tai nạn.
Thực tế tại Việt Nam ghi nhận, khi xe giường nằm gặp nạn thì số người bị thương vong khá cao. Trước vụ tai nạn khiến 12 người chết hôm 22/5 vừa qua, vụ chiếc xe giường nằm gặp nạn tại Lào Cai hồi cuối năm 2014 làm 14 người chết cũng đã gây rúng động cộng đồng trong một khoảng thời gian dài.
Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, có không ít những vụ tai nạn liên quan đến xe giường nằm nhưng thiệt hại về người “nằm” trên xe không nhiều hơn so với những vụ việc tương tự đối với xe chỉ trang bị ghế ngồi.
Vụ xe giường nằm chở hơn 40 người rơi xuống vực ở đèo Lò Xo (Quảng Nam) hồi giữa năm 2015 ghi nhận có một người tử vong. Hay như vụ xe giường nằm Châu Tuyết va chạm với máy rải thảm nhựa ở Quảng Trị hôm 21/5 vừa qua cũng “may mắn” khi số người thiệt mạng chỉ dừng ở con số 1.
Tương tự như vụ việc chiếc xe khách giường nằm gặp nạn ở Bát Xát (Lào Cai), sau tại nạn gây thiệt hại lớn về người ở Bình Thuận vừa qua, rất nhiều luồng ý kiến đưa ra về việc có hay không chuyện để xe giường nằm tiếp tục tồn tại trong danh mục phương tiện vận tải hành khách trong tương lai.
Những ý kiến không đồng ý việc tồn tại của xe giường nằm cho rằng, chủng loại xe này không an toàn như xe khách chỉ có ghế ngồi thông thường, do trọng tâm xe cao, hành khách khi nằm sẽ bị động hơn tư thế ngồi khi xe va chạm khiến mức độ va đạp lớn hơn. Ngoài ra, còn có quan điểm cho rằng, khi xe giường nằm gặp nạn thường có số thương vong rất cao, nên rất nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, châu Âu,... đã loại chủng loại phương tiện này ra khỏi danh mục phương tiện vận tải hành khách.
Trao đổi với Xe Giao thông, người đứng đầu một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hiện đang sử dụng nhiều xe giường nằm cho rằng, chủng loại xe này không thể an toàn như xe chỉ trang bị ghế ngồi và xe ở Việt Nam không có Quy định về Cửa thoát hiểm nên rất nguy hiểm cho hành khách khi xe gặp tai nạn.
Bên cạnh đó, vị này cũng cho hay, trên các đường quốc lộ không có các dải phân cách cũng nguyên nhân chính dễ làm cho các lái xe gây tai nạn. Bởi vậy, dù đang khai thác rất nhiều xe giường nằm, nhưng doanh nghiệp vẫn ủng hộ việc loại bỏ chủng loại xe này tồn tại ở Việt Nam.
Bài 2: Xe giường nằm có thực sự an toàn?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận