Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Laurent Ganet - Tổng Giám đốc Audi Việt Nam cho biết, với Nghị định 17/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ Việt Nam ban hành đầu tháng này, có mấy điểm đáng chú ý về mặt thủ tục.
Thứ nhất, MOIT (Bộ Công thương Việt Nam) công nhận rằng việc kiểm tra và thử nghiệm sẽ được thực hiện 1 lần đối với mẫu xe đại diện trong lần đầu nhập về Việt Nam. Nhà nước Việt Nam cũng cho phép tần suất đánh giá kiểu loại tối đa 36 tháng một lần. Vì lô xe đầu tiên vẫn cần phải được kiểm tra, nên không tạo nhiều sự thay đổi về việc tăng doanh số bán hàng.
Thứ hai, các nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ được hưởng lợi bởi có thể giao xe tới khách hàng nhanh hơn - nhanh hơn tới 1 tháng trong trường hợp xe nhập khẩu từ Châu Âu - một khi mẫu đại diện đầu tiên đã được thông quan.
"Việc kiểm tra theo lô cho mỗi chuyến hàng buộc các nhà nhập khẩu xe phải sản xuất và vận chuyển hàng theo từng lô lớn để giảm phí thông quan trên mỗi xe. Nghị định 17 ra đời giúp cho quy trình cung ứng gọn hơn cho mỗi mẫu xe được thông quan. Vì vậy các khách hàng tại Việt Nam được hưởng lợi từ việc những mẫu xe mới được cung ứng liên tục hơn. Nhiều mẫu xe trong cùng một lô hàng cũng sẽ giúp khách hàng có nhiều lựa chọn thay vì một lô hàng lớn cho một mẫu xe.
Các nhà nhập khẩu sẽ không cần phải thanh toán trước phí thuế hải quan cho một số lượng lớn xe khi thông quan. Điều này giúp giảm nguy cơ hàng tồn cho các nhà nhập khẩu, nhà phân phối và khách hàng. Bằng cách nhập khẩu nhiều lô hàng, chi phí tài chính lưu kho cũng sẽ được giảm cho cả nhà nhập khẩu và nhà phân phối. Tất cả các loại thuế vẫn sẽ được thanh toán tại Hải quan nhưng chi phí tài chính sẽ được phân chia theo những lô hàng nhỏ hơn", ông Laurent Ganet phân tích.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc bỏ kiểm tra theo lô và đánh giá chất lượng kiểu loại phương tiện có tạo nên cuộc "đổ bộ" của xe nhập khẩu vào Việt Nam hay không? Người đứng đầu Audi Việt Nam cho hay, với việc chỉ kiểm tra và thử nghiệm đối với mẫu xe đại diện lần đầu tiên, khách hàng tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các mẫu xe cùng loại gia nhập thị trường nhanh chóng, bởi mẫu đó đã được thông quan trước đây.
Theo ông Laurent Ganet, Nghị định 17 sẽ giúp cho thị trường xe Việt Nam trở nên linh hoạt hơn trong việc cung ứng và lựa chọn, nhưng việc khách hàng có mua xe nhiều hơn hay không - cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước - sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác trong đó có bao gồm có môi trường kinh tế.
Trước đó, hồi tháng 10/2019, Audi Việt Nam từng nêu kiến nghị sửa đổi quy trình thông quan xe nhập khẩu. Nhà nhập khẩu Audi hy vọng rằng các ban ngành Việt Nam sẽ sớm sửa đổi để quy trình thông quan giống với thông lệ thế giới.
Theo đại diện hãng xe Đức, kể từ năm 2018, quy trình đăng kiểm xe mới đã tác động tới việc nhập xe mới của Audi Việt Nam từ Audi AG. Khi nghị định 116 và thông tư 03 được ban hành, Audi đã ước tính phải cần tới 2 năm để bắt kịp quy trình và đáp ứng đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu cho các mẫu xe mới chưa được thông quan để các nhà máy Audi có thể sản xuất xe cho thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, giống như Audi Việt Nam, các khách hàng Việt Nam phải chờ đợi 2 năm để có thể chiêm ngưỡng những dòng xe mới nhất của Audi gồm A6, A7 Sportback, A8L, Q3 và Q8.
Hiện tại, Audi Việt Nam đang thúc đẩy Audi AG sản xuất nhanh tại tất cả các nhà máy để có thể bàn giao xe tới các khách hàng từ tháng 3/2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận