Hiện nay, nhiều hãng xe như Toyota Việt Nam (TMV), Hyundai Thành Công hay Thaco đều đang theo đuổi mục tiêu nâng cao tỉ lệ nội địa hóa để hưởng thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định ATIGA, hướng tới xuất khẩu ô tô.
Trao đổi với phóng viên về hướng đi này, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam - ông Toru Kinoshita cho rằng, đối với hãng, đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần là gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt Nam mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, ngành công nghiệp ô tô trong nước đang gặp phải cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước trong khu vực khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về 0% thì đó mới là hướng đi lâu dài và bền vững.
Người đứng đầu TMV cũng thừa nhận, hiện nay tỉ lệ nội địa hóa được tính theo nhiều công thức khác nhau, vì vậy để đưa ra một con số cụ thể sẽ rất khó. Chẳng hạn, linh kiện phụ tùng trong nước không chỉ là các phụ tùng linh kiện cung cấp bởi nhà cung cấp nội địa mà cần được tính cả những linh kiện, phụ tùng sản xuất tại nhà máy của hãng tại Việt Nam.
Về phần mình, trong thời gian qua TMV đã phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng ngay tại nhà máy với quyết định đầu tư xưởng dập thân vỏ xe quy mô đầu tiên của cả nước hoạt động vào năm 2003, góp phần đưa Toyota trở thành nhà sản xuất đầu tiên trong ngành sở hữu xưởng dập thân vỏ xe. Đến năm 2008, hãng tiếp tục đưa vào hoạt động xưởng sản xuất khung gầm với công suất 21.000 khung xe/năm.
Theo ông Toru Kinoshita, bên cạnh hoạt động tìm kiếm, lựa chon đối tác mới trong nước làm nhà cung cấp, Toyota cũng đã thành lập riêng một bộ phận để tăng cường tỉ lệ nội địa hóa bằng cách tìm và đánh giá nhà cung cấp mới, hỗ trợ nhà cung cấp hiện tại trong việc sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm cung cấp cho nhà máy. Ban đầu, Toyota nâng cao năng lực cho nhà cung cấp nội địa về tiêu chuẩn sản xuất 5S theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.
“Chúng tôi đã thành lập bộ phận chức năng chuyên trách, đào tạo và phát triển nhân sự cho nhà cung cấp, chuyển giao về 5S, bí quyết sản xuất của Toyota, quản lý chất lượng, cử chuyên gia trực tiếp xuống tận cơ sở hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra, đánh giá và đồng hành sát sao hàng tuần. Đây là một nhiệm vụ mang tính dài hạn, Toyota đã có kế hoạch mở rộng chương trình này lần lượt sang các nhà cung cấp khác”, TGĐ TMV chia sẻ.
Theo ông Toru Kinoshita, với cách giúp đỡ như vậy, nhà cung cấp sẽ có thể tận dụng tối đa nhà xưởng và con người hiện có mà vẫn tăng được hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, qua đó tăng năng lực sản xuất, cạnh tranh và tận dụng cơ hội kinh doanh tốt hơn. Bước đầu, việc làm này đã có những kết quả triển vọng.
Điển hình như năm 2017, Toyota đã thành lập ban dự án hỗ trợ chuyển giao đầu tiên tại Nhựa Hà Nội. Sau 1 năm, nhà máy đã thay đổi cả chất và lượng nhờ áp dụng quy tắc 5S Toyota và tiêu chuẩn hóa công việc. Về hiệu quả kinh tế, thống kê 6 tháng đầu năm 2018, Nhựa Hà Nội đã cắt giảm chi phí ước tính khoảng 2,8 tỷ đồng qua cải tiến về khuôn. Trung bình năng suất lao động tăng 10%. Riêng với dòng xe Vios thế hệ mới, số lượng phụ tùng cung cấp bởi nhà máy nhựa Hà Nội đã tăng từ 3 lên 29 phụ tùng. Kết quả sau khi áp dụng quy tắc 5S Toyota, uy tín của Nhựa Hà Nội đã tăng lên, có nhiều lời đề nghị hợp tác từ các đối tác lớn trong nước và cả các doanh nghiệp FDI Nhật Bản. “Điều này cho thấy tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng các nhà cung cấp sẽ không ngừng nâng cao năng lực của mình và xa hơn là tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng của khu vực và toàn cầu”, ông Toru Kinoshita chia sẻ.
Với vai trò người đứng đầu TMV và Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Toru Kinoshita cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách dài hạn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô, giữ tỉ lệ hợp lý giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tiếp đến, có chương trình hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu: “TMV cùng các thành viên VAMA rất ủng hộ ý tưởng về ưu đãi thuế SCT (thuế tiêu thụ đặc biệt) cho xe sản xuất và lắp ráp trong nước (CKD) đang được bàn thảo bởi Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Cũng giống như các quốc gia khác, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ sẽ cân nhắc những hỗ trợ trực tiếp cho việc đầu tư khuôn và đồ gá để bù đắp sự thiếu hụt về dung lượng thị trường so với các nước trong khu vực. Nếu được như vậy thì doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn nhiều trong quyết định đẩy mạnh nội địa hóa”.
Video đánh giá Toyota Vios mới:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận