Thị trường ô tô đi xuống
Theo các số liệu từ Tổng cục Thống kê, 238 nghìn chiếc là sản lượng ô tô lắp ráp trong nước tính đến hết quý III năm nay, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Hải quan, trong cùng kỳ so sánh, lượng xe nhập về cảng là 98.749 chiếc trị giá 2,286 tỷ USD, giảm so với 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Lũy kế ba quý đầu, tổng lượng ô tô lắp ráp và nhập khẩu là 337 nghìn chiếc, tuy nhiên các số liệu bán hàng đều cho thấy lượng hàng tồn kho lớn ở các đại lý phân phối.
Giữa tháng 10, các mẫu xe sản xuất năm 2022, thậm chí xe đời 2021 vẫn được rao bán chính hãng, kèm ưu đãi gây sốc, đến 500 triệu đồng.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của nhóm hội viên VAMA đến hết tháng 9 đạt 209.929 xe, giảm 29% so với cùng kỳ 2022.
Các đơn vị công bố số liệu độc lập, gồm VinFast công bố bán được 21.342 xe điện, Hyundai bán được 41.168 xe qua 9 tháng đầu năm.
Như vậy, tổng hợp số liệu từ VAMA, VinFast và Hyundai Thành Công, lượng xe bán được là 272.439 xe.
Các đơn vị không công bố số liệu bán hàng như Mercedes-Benz và nhóm các thương hiệu nhập khẩu như: Volkwagen, Subaru, Volvo, Peugeot, Audi, BMW, Mini, JLR, Porsche, Jeep… sản lượng bán ra không nhiều nếu tính theo đầu xe, ước tính tổng thể khoảng 9-11 nghìn chiếc.
Các thương hiệu ô tô con Trung Quốc và CH Séc mới vào Việt Nam có tính chất thăm dò thị hiếu, phần lớn ra mắt trong quý III nên doanh số không đáng kể.
Như vậy, lấy sản lượng bán hàng 9 tháng (283 nghìn xe) so với tổng sản lượng xe lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc (337 nghìn xe), ước tính lượng xe tồn kho khá lớn, nằm ở chuỗi phân phối.
Thị trường biển số đi lên
Năm nay, có hai chính sách mới rất quan trọng tác động đến thị trường biển số ô tô, loại tài sản trước đây được coi là phi thị trường do được Nhà nước quản lý, cấp phát ngẫu nhiên.
Thứ nhất là Nghị định 39/2023, được cụ thể hóa bằng Thông tư 24/2023/TT-BCA về đấu giá biển số, lần đầu thực hiện hôm 15/9, tạo ra một thị trường biển số đẹp với diễn biến tranh mua sôi động.
Theo Bộ Công an, sau khoảng một tháng triển khai đấu giá trên 1.000 biển số đẹp, những người trúng đấu giá đã nộp vào ngân sách Nhà nước tổng cộng hơn 100 tỷ đồng.
Thứ hai là Thông tư 60/2023/TT-BTC về mức lệ phí cấp biển số cho các loại phương tiện cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 22/10.
Theo quy định mới của Bộ Tài chính, nhiều loại phương tiện chịu mức phí cấp biển tăng lên theo vùng miền và kiểu loại xe, đối với xe máy là tăng theo giá trị xe.
Mức tăng cao nhất là phí cấp biển số xe con ở 2 đô thị lớn (Hà Nội, TP.HCM) quy định cứng mức 20 triệu đồng/lần, tăng so với trước đây, địa phương tự quyết mức thu từ 12-20 triệu đồng/lần.
Đối với xe máy, lệ phí cấp biển tính theo giá trị xe và theo khu vực. Nhìn chung là tăng so với mức cũ từ 1,5 đến 3 lần.
Xe có giá trị trên 40 triệu đồng, mức lệ phí được quy định cứng 4 triệu đồng (khu vực I); Khu vực II ở mức 800.000 đồng/lần/xe; Khu vực III là 150.000 đồng/lần/xe thay cho quy định hiện hành 50.000 đồng/lần/xe.
Với xe máy có giá trị trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng, mức lệ phí quy định cứng 2 triệu đồng/lần/xe đối với khu vực I, khu vực II giữ nguyên 400.000 đồng/lần/xe và khu vực III ở mức 150.000 đồng/lần/xe (tăng gấp 3 lần hiện tại).
Với xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống, mức thu lệ phí tại khu vực I là 1 triệu đồng/lần xe (thay cho quy định hiện hành thu trong khung từ 500.000 - 1.000.000 đồng/lần/xe); Khu vực II giữ nguyên 200.000 đồng/lần/xe; Khu vực III có mức là 150.000 đồng/lần/xe (gấp 3 lần hiện tại).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận