Doanh số bán hàng tại nhiều đại lý ở các tỉnh đang tăng mạnh (Trong ảnh: Chuỗi đại lý ô tô Peugeot - Mazda - Kia tại Quảng Ninh)
Mức sống ngày một tăng, đường sá đẹp hơn, chi phí cho các yêu cầu để sở hữu ô tô như nơi đỗ xe, để xe và dịch vụ liên quan thấp hơn nhiều so với các thành phố lớn khiến thị trường kinh doanh ô tô ở khu vực nông thôn, tỉnh lẻ đang được các hãng xe quan tâm.
Doanh số ô tô ở tỉnh bứt tốc
Theo thống kê, toàn thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 đạt 407.460 chiếc các loại, trong đó đáng chú ý tốc độ tăng trưởng doanh số tại các tỉnh đang vượt lên so với Hà Nội và TP HCM.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc kinh doanh Toyota Bắc Giang cho biết, năm 2020, dù bị ảnh hưởng của đại dịch nhưng doanh số của đại lý tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch nhà máy giao.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Đại lý ô tô VinFast - Chervolet Vinh (Nghệ An) cho biết, doanh số toàn tỉnh Nghệ An năm 2020 tăng từ 15 - 20%.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, giám đốc một đại lý ô tô Kia ở Hà Nội cũng thừa nhận, tốc độ tăng doanh số tại một số tỉnh nhỏ đang cao hơn các thành phố lớn. “Như tại Hà Nam, những năm trước mỗi tháng chỉ bán được 75 - 100 xe nhưng gần đây tăng lên 120 xe, tăng khoảng 20%, cao hơn Hà Nội dù doanh số thực tế thấp hơn nhiều”, vị giám đốc này cho biết.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Hưng Yên cũng cho biết, năm 2020, lượng ô tô mới kiểm định lần đầu tại trung tâm tăng 20-30%, chủ yếu là dòng ô tô 4 chỗ, xe du lịch.
Số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) cũng cho thấy, doanh số bán ô tô tại các tỉnh miền Trung trong 3 năm từ 2018 - 2020 luôn tăng ở mức từ 14-15%, cao hơn mức trung bình cả nước (khoảng 10%).
Tăng trưởng chậm nhưng thị trường đô thị lớn vẫn tiềm năng
Phó tổng giám đốc một DN ô tô lớn tại Việt Nam cho biết, 3 năm trở lại đây, DN chủ yếu mở rộng đại lý ngoài phạm vi Hà Nội và TP HCM xuất phát từ nhận định thị trường các tỉnh nhỏ hiện rất tiềm năng do thu nhập người dân ngày một cải thiện, chi phí để gửi xe, đỗ xe ở các tỉnh không quá tốn nên người sở hữu xe chủ yếu chỉ phải lo kinh phí mua xe.
Xu thế đô thị hóa đang tăng mạnh tại Hà Nội, TP HCM, các khu đô thị mọc lên ngày càng nhiều ở vùng ngoại thành cùng với đó là sự phát triển của các khu đô thị vệ tinh nên nhu cầu mua xe của người dân ở Hà Nội, TP HCM vẫn còn rất tiềm năng.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách Hiệp hội VAMA
“Khảo sát tại các khu nhà chung cư tại Hà Nội, chỗ để xe gần như đã bị lấp đầy và thường thiếu so với nhu cầu. Bên cạnh đó, việc đi lại khó khăn khiến chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng xe rất lớn. Thậm chí nhiều người mua xe nhưng chỉ sử dụng khi ra khỏi thành phố.
Theo tính toán, để sử dụng một chiếc ô tô ở Hà Nội so với các tỉnh thì mức chi phí có khi cao hơn tới 3 - 4 lần. Đấy chính là lý do khiến thị trường ô tô tại Hà Nội, TP HCM dù còn rất nhiều tiềm năng nhưng khó có thể bứt tốc trong thời gian tới đây”, vị Phó tổng giám đốc trên nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Trung, Giám đốc Khối đối ngoại Công ty Honda Việt Nam, tốc độ tăng trưởng doanh số xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thu nhập của người dân.
“Việc hạ tầng giao thông tại Hà Nội, TP HCM có nhiều bất cập tác động phần nào nhưng không ảnh hưởng đến quyết định mua xe của người dân.
“Việc mua ô tô của người Việt phụ thuộc chính vào thu nhập và nhận thức về việc sử dụng ô tô. Dù tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng cao hơn các thành phố lớn nhưng tỉ trọng xe bán ra tại các tỉnh lại thấp hơn nhiều. Do đó, các đô thị lớn vẫn là thị trường tiềm năng của ngành ô tô”, đại diện truyền thông của Ford Việt Nam cho biết.
Còn theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, khách hàng mua ô tô thường không quan tâm đến hạ tầng giao thông mà “thích thì mua” và họ quan tâm nhiều hơn về việc model nào phù hợp với giá tiền và nhu cầu của mình.
“Những khách hàng ở thành phố lớn có nếp sống “di động” thường có những nhu cầu đi chơi, du lịch, về quê. Đó là lý do nhu cầu mua sắm ô tô của người dân thành phố cao hơn và tiềm năng hơn ở các tỉnh nhỏ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận