Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã triển khai được hơn 1 năm. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đã tuân thủ các điều kiện đồng thời cũng có nhiều vướng mắc được cơ quan quản lý tháo gỡ.
Quy định về đường thử: Tưởng khó mà dễ
Nghị định 116 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018. Sau hơn 1 năm, đến nay cơ bản các điều kiện đã được các DN ô tô tuân thủ. Điều này hoàn toàn khác khi thời gian đầu, các DN cả sản xuất lắp ráp lẫn nhập khẩu đều kêu khó và đề xuất tháo gỡ như: Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA), kiểm tra theo lô xe nhập khẩu, quy định về đường thử… Tuy nhiên, sau đó các vấn đề này đều được DN sớm đáp ứng. Bằng chứng là từ đầu năm 2019, thị trường ô tô tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho biết: “Trước đây, các DN nhập khẩu ô tô kêu khó đối với một số quy định tại Nghị định nhưng đến nay việc nhập khẩu đã diễn ra bình thường. Từ đầu năm đến nay có tới gần 60.000 ô tô nguyên chiếc các loại đã được nhập khẩu về Việt Nam, cao hơn rất nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, hoạt động nhập khẩu ô tô đã trở lại trạng thái bình thường trong khi quyền lợi của khách hàng mua xe ô tô tại Việt Nam đã được nâng lên”.
Thậm chí một quy định trước đây từng được nhiều DN ô tô cho rằng “không có lối ra” là quy định về đường thử ô tô phải đảm bảo tối thiểu 800m với lý do không còn quỹ đất để xây dựng và tốn nhiều chi phí, thời gian thì đến nay cơ bản đã được đáp ứng. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho hay, các DN sản xuất lắp ráp ô tô đã và đang hoàn thành đường thử đúng theo quy định tại Nghị định 116. “Hiện nay, hầu hết các DN có dây chuyền sản xuất lắp ráp trong nước đều đã đáp ứng được quy định về đường thử. Có những hãng mở rộng diện tích, đầu tư đường thử riêng. Nhưng cũng có những hãng đi thuê hoặc dùng chung đường thử với nhau. Nhìn chung, quy định về đường thử các hãng đều không còn vướng mắc”, ông Hà chia sẻ.
Trong động thái mới nhất, 3 doanh nghiệp ô tô lớn là Toyota Việt Nam (TMV), Honda Việt Nam và Ford Việt Nam vừa công bố hoàn thành việc xây dựng đường thử ô tô. Theo đại diện TMV, việc DN triển khai GPMB theo quy định đền bù mới để mở rộng nhà máy đến nay đã hoàn toàn tất và đang tiến hành xây dựng. Việc mở rộng nhà máy một phần để nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất tăng công suất nhà máy lên 90.000 xe/năm (dự kiến năm 2023). Và một phần để mở rộng thêm diện tích đất để đáp ứng yêu cầu về đường thử theo quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ Việt Nam.
Đại diện Ford Việt Nam cũng vừa thông tin đã tiến hành xây dựng đường thử đáp ứng quy định theo Nghị định 116. Theo đó, sau hơn 1,5 năm chuẩn bị và triển khai, liên doanh này đã chính thức đưa đường thử xe mới vào hoạt động theo tiêu chuẩn Ford toàn cầu. Đồng thời thiết kế và thông số của đường thử này cũng đáp ứng các tiêu chí mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị định 116. Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết, tất cả các dòng xe được sản xuất và lắp ráp tại nhà máy Ford Hải Dương trước khi xuất xưởng sẽ được chúng tôi kiểm tra nghiêm ngặt trên đường chạy thử mới để thẩm định và đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật trước khi tới tay người tiêu dùng.
Một số DN đối phó về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, đến nay cơ bản các DN sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã đáp ứng các điều kiện về cơ sở bảo hành bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định 116 (phải có quyền sử dụng đất hợp pháp, đảm bảo một số trang thiết bị tối thiểu, có đủ các yêu cầu về PCCC và bảo vệ môi trường…). Tuy nhiên, cũng có một số DN thực hiện mang tính đối phó, chỉ đăng ký một đến hai cơ sở theo quy định, vừa đủ để được cấp giấy phép xuất xưởng và nhập khẩu ô tô. Như vậy, trong trường hợp khách hàng ở khu vực phía Nam sẽ không thể mang xe ra phía Bắc để thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa xe ở nhưng cơ sở theo đúng tiêu chuẩn và ngược lại. Với những trường hợp này, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ có văn bản yêu cầu DN sớm thực hiện.
Một vướng mắc trong việc thực hiện các quy định tại Nghị định 116 cũng vừa được Bộ GTVT tháo gỡ cho các DN sản xuất lắp ráp. Theo đó Nghị định 116 quy định, các linh kiện phải được thử nghiệm ở trong nước. Về lý thuyết, nếu không có giấy chứng nhận linh kiện thử nghiệm tại Việt Nam đồng nghĩa với việc dừng xuất xưởng xe. Vì thế, do Thông tư hướng dẫn quy định này chưa được ban hành, khiến các DN lúng túng.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Hà cho biết, do Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 của Nghị định 116 quy định về quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp vẫn chưa được ban hành nên việc thử nghiệm linh kiện tại Việt Nam, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến từ phía các DN và đã giải quyết xong. “Bộ GTVT đã có văn bản hướng dẫn việc này. Do vậy, các DN sản xuất lắp ráp vẫn thực hiện như các quy định hiện hành. Điều này đồng nghĩa giấy chứng nhận linh kiện của nước ngoài vẫn được sử dụng như trước đây, vẫn có hiệu lực cho đến khi Thông tư hướng dẫn được ban hành, hướng dẫn cụ thể, chi tiết”, ông Hà cho hay.
Trên thực tế, dù chưa có Thông tư hướng dẫn nhưng đã có DN sản xuất lắp ráp thực hiện quy định về giấy chứng nhận linh kiện thử nghiệm tại Việt Nam. Đại diện TMV cho hay, từ khi có Nghị định 116, hãng đã chia thành từng nhóm làm xe sản xuất lắp ráp (CKD) và nhóm làm xe nhập khẩu (CBU). Nhóm nào làm xe CKD thì lo về đường thử và nhập linh kiện về thử nghiệm tại Việt Nam nên đến nay đối với TMV quy định này đã được đáp ứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận