Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hình thành cách đây khoảng 30 năm, đến nay có 15 nhà sản xuất có cơ sở lắp ráp trong nước, một số nhà máy là tổ hợp sản xuất lớn như: Thaco, VinFast, Hyundai, Toyota. Mỗi năm các nhà máy cung ứng ra thị trường khoảng 300.000 xe các loại.
Từ phía tiêu dùng, sản lượng tiêu thụ xe lắp ráp nội địa đã vượt xe nhập khẩu từ lâu; sự phân biệt xe nhập khẩu hay xe lắp ráp không còn quá lớn, không còn là rào cản khi so sánh về chất lượng. Nếu như năm 2021 có 34 mẫu xe du lịch dưới 9 chỗ được lắp ráp trong nước thì hết năm 2023, số mẫu xe du lịch nhẹ lắp ráp nội địa đạt 47 mẫu, trong đó riêng VinFast là 7 mẫu xe điện.
Để làm được điều này, chuỗi cung ứng nội địa đóng vai trò ngày một lớn trong hệ sinh thái ô tô. Trong đó nhiều loại linh kiện phụ tùng nhập nội hoàn toàn, như chi tiết nhựa, bộ ghế, dây điện, bình ắc quy… Nhiều loại sản phẩm trong số này không chỉ cung ứng trong nước mà xuất khẩu tới các trung tâm ô tô toàn cầu như: Nhật, Mỹ, Hàn Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023 nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng là một trong số ít đạt mức tăng trưởng dương so với 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,01 tỷ USD. Trong đó riêng linh kiện phụ tùng ô tô đạt trên 4 tỷ USD giá trị xuất khẩu.
Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), mã số HS hàng linh kiện ô tô xuất khẩu từ Việt Nam cho thấy phần lớn là doanh nghiệp FDI gia công sản phẩm dây cáp điện, nhựa, khung ghế, săm lốp, sơn đóng gói của hãng, thuộc da, khung sườn chassis sử dụng cho xe tải, ốc vít, tấm ốp nhựa. Danh mục sản phẩm đã nội địa hóa lên đến trăm chủng loại.
Mở nắp capo một chiếc xe mới trong showroom, người tiêu dùng Việt không còn bất ngờ khi nhìn thấy những linh kiện phụ tùng mang nhãn hiệu thuần Việt như ắc-quy Đồng Nai (do Pinaco sản xuất) hay các loại linh kiện phụ tùng do các nhà cung ứng FDI cung cấp.
Trong xe, hàng loạt linh kiện như kính chiếu hậu, vô-lăng, ghế ngồi, hộc chứa đồ, bệ tì tay…phần lớn do các nhà cung ứng trong nước làm ra. Phía ngoài xe, lốp Bridgestone, chụp đèn trước sau, cản trước sau, bậc bước lên xuống, cần gạt mưa, bộ gioăng cửa hay chiếc ăng-ten trên nóc xe... đều là những sản phẩm được sản xuất trong nước.
Theo thống kê của ngành Công thương và các hiệp hội cơ khí (VAMI), hiệp hội công nghiệp hỗ trợ (VASI), tính đến cuối năm 2023 Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, trong đó khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tăng thêm 100 doanh nghiệp so với năm 2019.
Tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% cách đây 10 năm lên 37% vào năm 2022 (dữ liệu của JETRO Nhật Bản).
Trong những năm qua, các doanh nghiệp của Nhật Bản, đặc biệt là Toyota đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ công nhân, kỹ sư Việt Nam và lan tỏa triết lý kinh doanh tới cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp nội địa đã trở thành nhà cung cấp cho các hãng xe lớn trong và ngoài nước.
Năm 2024 là thời cơ vàng cho nhóm ngành linh kiện phụ tùng ô tô phát triển bởi Việt Nam đang hội tụ được nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, dòng vốn tiếp tục chảy vào lĩnh vực chế biến chế tạo sẽ giúp chuỗi cung ứng ngành ô tô ngày một trưởng thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận