Là một nét văn hóa trong giới xe cộ bắt nguồn từ Nhật Bản, "drift" chỉ kỹ thuật lái xe mà người điều khiển cố tình làm thừa lái ở tốc độ cao, khiến bánh sau trượt trên đường nhưng vẫn có thể đảm bảo được tốc độ và hướng di chuyển của xe như mong muốn.
Xuất hiện vào khoảng thập niên 1970, drift xe dần trở thành một môn thể thao chuyên nghiệp, thịnh hành rộng rãi sang cả Châu Âu và Châu Mỹ.
Trong văn hóa chơi xe, drift không đơn giản là lôi xe ra làm vài pha lết bánh rồi cất vào gara, mỗi buổi drift xe trên các đoạn đèo núi ở Nhật được tổ chức rất tỉ mỉ như một giải đua chuyên nghiệp.
Nhiều drifter (người drift xe) lão làng chia sẻ rằng dù có nhiều năm kinh nghiệm trong bộ môn này, mỗi lần thực hiện họ vẫn đều có một chút lo lắng trong tâm trí về sự an toàn: “Không ai có thể nói trước rằng mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ cả”.
Vài năm trở lại đây, nhờ sự bùng nổ của truyền thông, drift xe trở thành bộ môn thể thao tốc độ được nhiều người chú ý đến và đang dần phổ biến tại Việt Nam. Hiện nay, đã có những đơn vị tổ chức lớp học drift cho người đam mê bộ môn này. Một buổi tập drift được tiết lộ có chi phí lên khoảng 30 triệu đồng.
Để đảm bảo an toàn, các lái xe sẽ đều được trang bị bộ đàm để liên lạc khi cần thiết. Xe chỉ được xuất phát khi đã đạt đủ điều kiện cho phép và buộc phải giảm tốc trong trường hợp có phương tiện khác di chuyển vào đoạn đường các xe drift đang tiến tới.
Drift xe đòi hỏi kỹ năng và sự rèn luyện kiên trì, vì vậy không phải ai cũng có thể theo đuổi đến cùng.
Du nhập vào Việt Nam từ đầu năm 2010, những hội, nhóm theo đuổi bộ môn drift hiện tại chủ yếu hoạt động, luyện tập ở Hà Nội và TP.HCM với mục đích chia sẻ đam mê và kinh nghiệm.
Vì ô tô vẫn là tài sản có giá trị, người mới chơi thường dùng xe cũ giá rẻ. Khi kỹ năng tốt hơn hoặc thực sự muốn theo đam mê mới bắt đầu mạnh tay sắm "xế" đời mới như Toyota GT 86, Subaru BR-Z... hay cả xe Châu Âu đắt tiền của BMW, Mercedes-Benz.
Với bộ môn drift xe, người chơi thường dùng ô tô loại dẫn động cầu sau hoặc bốn bánh. Muốn trở nên thuần thục, ngoài đầu tư tiền bạc, thời gian, còn cần có sự kiên trì tập luyện. Theo nhiều drifter, "cảnh giới" cao nhất là khi "người, xe thành một".
Hiện tại, số lượng drifter có kỹ năng tốt ở Việt Nam đang dần tăng lên. Một số giải thi đấu thuộc hệ thống của Hiệp hội Ô tô thể thao Việt Nam (VMA) đã được tổ chức, dù vẫn ở quy mô nhỏ, cũng góp phần từng bước chuyên nghiệp hóa môn thể thao này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận