Một trường hợp xe sang lậu làm giả hồ sơ bị Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện |
Tòa án nhân dân TP Hà Nội mới đây mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án làm giả giấy tờ nhằm hợp thức hóa hồ sơ cho các xe ôtô loại sang có nguồn gốc bất hợp pháp. Theo các chuyên gia, hiện còn nhiều kẽ hỡ trong quản lý, khiến có thể bị lợi dụng để hợp pháp hóa xe ô tô bất hợp pháp.
Mua xe cũ lấy hồ sơ “khoác” lên xe lậu
Đầu tháng 4/2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 3 bị cáo, mỗi bị cáo 24 tháng tù trong vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, trong thời gian từ 2007-2010, các đối tượng này đã làm giả hồ sơ giấy tờ của 22 chiếc ôtô loại sang, đắt tiền như Toyota Lexus, BMW, Honda ACURA… Đến nay, cơ quan chức năng thu hồi được 4 xe, còn 18 chiếc khác đã thông báo tới Cục Đăng kiểm VN, cơ quan chức năng các địa phương để truy tìm nhưng vẫn chưa có tung tích.
Ngoài vụ án trên, năm 2017, Cục Đăng kiểm VN cũng thông báo công khai về việc phát hiện 32 xe sang mang biển số đăng ký Hà Nội, TP.HCM, đều là biển số thật nhưng là của... xe khác, loại bình dân. Thời điểm này, các cơ quan chức năng chưa tìm được trường hợp xe nào để xác định tính chất vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật. Thông tin đáng chú ý trong vụ án mới được xét xử nói trên là trong quy trình làm giả giấy tờ có khâu đấu giá xe ô tô, làm thủ tục đăng ký tại địa phương, sau đó lần lượt đi qua cửa đăng ký, đăng kiểm... trót lọt. Vậy các đối tượng dùng thủ đoạn nào để có thể qua mắt được cả cơ quan đăng ký, đăng kiểm?
"Năm 2017, qua rà soát dữ liệu, Cục Đăng kiểm VN phát hiện 32 xe sang có dấu hiệu giả hồ sơ, giấy tờ. Từ đó đến nay, không thấy trường hợp xe nào đến các trung tâm đăng kiểm. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, các quy định tiếp nhận xe đăng kiểm hiện khá thông thoáng, như chỉ cần giấy hẹn trả đăng ký, giấy xác nhận ngân hàng... cũng là kẽ hở có thể bị lợi dụng để làm giả giấy tờ xe”. Ông Ngô Hồng Hệ |
Theo một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao, chắc chắn các xe sang bị làm giả giấy tờ không có xuất xứ, nguồn gốc hợp pháp. Bởi các xe khi nhập khẩu hoặc trước khi xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước) đều có hồ sơ kiểm định, được lưu trữ trên hệ thống thông tin điện tử của ngành đăng kiểm. Do đó, thủ đoạn giả hồ sơ, giấy tờ cho các xe lậu là lấy hồ sơ thật của xe cũ sau đó đăng ký biển số mới, mua bán chuyển địa phương, chèn số khung, số máy của xe lậu vào bản gốc giấy tờ thật.
“Cách phổ biến là các đối tượng mua xe thanh lý, xe đấu giá ở các địa phương. Sau đó công chứng các giấy tờ liên quan, sửa chữa giấy tờ công chứng để đưa đi đăng ký, chuyển vùng. Giấy tờ công chứng không có chi tiết bảo mật, trong khi không có dữ liệu chung (số khung, số máy) trên hệ thống thông tin điện tử về các xe đấu giá, thanh lý để đối chiếu so sánh, khiến hồ sơ dễ lọt qua khâu cấp đăng ký”, ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03V phân tích.
Cũng theo ông Khanh, khi tới cửa đăng kiểm, đối tượng vi phạm chỉ cần dùng giấy hẹn trả giấy đăng ký (không quy định phải có dấu, mẫu chung), sau đó sửa chữa là được trung tâm đăng kiểm tiếp nhận, kiểm định phương tiện để có giấy chứng nhận đăng kiểm thật.
Nhận diện kẽ hở
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm khác tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho biết, đơn vị này mới đây phối hợp với cơ quan công an để xác minh một trường hợp ôtô nhãn hiệu Porsche hoạt động tại Đà Nẵng nhưng có biển số, giấy tờ hoàn toàn trùng với một chiếc xe ở Hà Nội.
“Một số chi tiết cho thấy giấy chứng nhận kiểm định ở Đà Nẵng là giả, còn việc xác định biển số thật hay giả do cơ quan cấp đăng ký”, ông này cho biết và khẳng định, việc hợp pháp hóa một chiếc biển số xe thật cũng không khó, bởi nếu chủ xe thật báo mất biển số thì chỉ sau một tháng cũng sẽ được cơ quan chức năng cấp lại biển mới.
Bên cạnh thủ đoạn làm giả trên, ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-03V lo ngại các thủ tục kiểm định xe đang lưu hành trong vài năm nay khá thông thoáng, khiến có thể bị đối tượng xấu lợi dụng để hợp thức hóa xe ô tô có nguồn gốc bất hợp pháp.
“Các phương tiện chỉ cần có giấy xác nhận của ngân hàng là được tiếp nhận kiểm định, nhưng ngân hàng Nhà nước không có dữ liệu chung để biết được có đúng là giấy tờ xe đang ở ngân hàng không. Có trường hợp xe “cắm” giấy tờ ngân hàng rất nhiều năm, dù nghi ngờ nhưng việc xác minh không đơn giản. Liên hệ với các ngân hàng thường phải qua nhiều khâu trung gian, có khi không có phản hồi. Trong khi xe chỉ xuất hiện ở trung tâm đăng kiểm vài chục phút”, ông Khanh nói và cho biết thêm các giấy tờ của ngân hàng cũng không có chi tiết bảo mật để nhận biết thật, giả.
Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới của Cục Đăng kiểm VN và một số lãnh đạo trung tâm đăng kiểm đều có chung nhận định rằng, kẽ hở hiện nay để các đối tượng hợp thức hóa xe ô tô bất hợp pháp là “lách” vào sự thiếu liên thông thông tin, dữ liệu chung giữa các cơ quan đăng ký, đăng kiểm, ngân hàng để đối chiếu; cũng như sự tạo điều kiện thông thoáng trong thực hiện thủ tục. Hiện chỉ ngành đăng kiểm có hệ thống dữ liệu phương tiện để phục vụ quản lý trong hệ thống, mà các cơ quan khác cũng có thể tra cứu, sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận