GPLX quốc tế là gì?
Việt Nam tham gia vào Công ước Quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ (gọi tắt là Công ước Vienna) từ ngày 20/8/2014. Người Việt Nam nếu đủ điều kiện sẽ được cấp bằng lái xe quốc tế và được sử dụng bằng lái xe này ở 85 quốc gia tham gia vào Công ước Vienna.
Năm 2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chính thức triển khai cấp giấy phép lái xe quốc tế (International Driving Permit) cho người dân trực tiếp tại Tổng cục này. Theo đó, với bằng lái xe quốc tế tài xế có thể lái xe hợp pháp tại 85 quốc gia tham gia Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ và công ước Vienna.
Bằng lái xe quốc tế có kích thước tương đương quyển sổ A6 (148 x 105)cm với bìa màu xám, trang giấy bên trong màu trắng in theo mẫu kèm ký hiệu bảo mật. Những trang đầu được ghi thông tin cơ bản, phạm vi sử dụng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Những trang còn lại là phần thông tin về tài xế và phân hạng xe bằng tiếng Nga, Pháp, Tây Ban Nha.
Tài xế có bằng lái xe quốc tế phải mang theo giấy phép này kèm bằng lái thông thường khi lái xe tại các quốc gia nằm trong Công ước Vienna đồng thời tuân thủ luật pháp nước sở tại. Nếu sai phạm có thể bị tước có thời hạn nhưng không quá thời gian tài xế lưu lại ở nước này. Điều này cũng được áp dụng tương tự đối với người nước ngoài có bằng lái xe quốc tế điều khiển phương tiện thạm gia giao thông tại Việt Nam. Bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp không có giá trị ở trong nước bởi đã có bằng lái quốc gia.
Thủ tục cấp GPLX quốc tế
Tại Điều 8 Thông tư 29/2015 quy định trình tự, thủ tục cấp, đổi GPLX quốc tế yêu cầu rõ người lái xe có nhu cầu cấp, đổi GPLX quốc tế phải nộp hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ như: Đơn đề nghị cấp GPLX quốc tế theo mẫu quy định (khi nộp đơn phải xuất trình bản chính GPLX quốc gia do Việt Nam cấp); bản sao chụp GPLX, hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị sử dụng; một ảnh màu cỡ 3x4 cm nền màu trắng. Thời gian giải quyết là 5 ngày làm việc và với lệ phí 135.000 đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, thời gian cấp có thể rút ngắn còn 2 tiếng và tài xế có thể đăng ký cấp bằng qua mạng. Trong trường hợp lái xe không trực tiếp đến làm bằng có thể ủy quyền cho người khác hoặc để lại địa chỉ và lệ phí để đơn vị cấp gửi theo đường bưu điện.
Một số lưu ý về thủ tục cấp GPLX quốc tế
Tại Điều 8 của Thông tư 29/2015 cũng nêu rõ các trường hợp không được cấp GPLX quốc tế như: GPLX quốc gia có biểu hiện tẩy, xóa, hư hỏng không còn đủ các thông tin cần thiết hoặc có sự khác biệt về nhận dạng, hoặc GPLX quốc gia không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định. Trường hợp mất hoặc hư hỏng, cá nhân có nhu cầu làm đơn đề nghị cấp lại.
Theo quy định của Bộ GTVT, GPLX quốc tế có giá trị sử dụng không quá 3 năm và phải phù hợp với thời hạn mà GPLX của quốc gia sở tại cấp.
Đối với người nước ngoài thuộc các nước không là thành viên của Công ước Vienna, việc được cấp, đổi GPLX tại Việt Nam được quy định tại Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT.
Theo đó, ngoài việc người nước ngoài nộp hồ sơ có đơn theo mẫu, điều kiện để cấp, đổi GPLX cho người nước ngoài còn gồm: người đó phải thường trú hoặc tạm trú từ ba tháng trở lên, kèm theo một số giấy tờ chứng minh của cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận