Cho đến nay, pin vẫn là cấu phần đắt nhất của một chiếc xe điện (ảnh minh họa)
Mua đứt pin - giải pháp đắt đỏ cho lợi ích vô hình
Lợi ích lớn nhất của hình thức mua đứt pin không nằm ở giá trị vật chất mà ở giá trị tinh thần, đó là cảm giác được sở hữu. Nhưng để có được thứ lợi ích vô hình đó, khách hàng sẽ phải đánh đổi bằng gánh nặng tài chính tương đối lớn.
Cho đến nay, pin vẫn là cấu phần đắt nhất của một chiếc xe điện, chiếm khoảng 30-40% giá thành, theo công ty nghiên cứu và tư vấn GlobalData có trụ sở tại Anh. Ở xứ sở sương mù, hầu hết xe điện hiện vẫn đắt hơn ít nhất 13.000 USD so với xe động cơ đốt trong tương đương.
Dù đã có một “cuộc cách mạng” về chi phí sản xuất pin, giảm từ mức 1.000 USD/kWh năm 2010 xuống còn khoảng 150 - 200 USD/kWh năm 2020, nhưng theo James Frith, người đứng đầu chuyên mục Tài chính Năng lượng Mới (NEF) thuộc hãng tin Bloomberg: “Để xe điện rẻ tương đương xe động cơ đốt trong, giá pin phải được đưa về ngưỡng 100 USD/kWh”.
Trạm sạc ô tô điện
Tuy nhiên, cũng theo Bloomberg, tình trạng tăng giá nguyên vật liệu trên quy mô toàn cầu có thể tạo “điểm nghẽn” khiến mục tiêu hạ giá thành “trái tim năng lượng” của xe điện trở nên khó khăn hơn.
“Việc chi thêm cả nghìn USD chỉ cho ‘cảm giác sở hữu’ không phải là lựa chọn khôn ngoan. Chưa kể, người dùng sẽ phải tự chịu trách nhiệm về mọi rủi ro với khối pin nếu có”, một chuyên gia ô tô nhận định.
Hoán đổi pin - nhiều rủi ro, tăng chi phí
Để giảm bớt chi phí cho khách hàng, một số hãng xe điện đưa ra chính sách hoán đổi pin nhằm tách pin khỏi giá xe. Cụ thể, thay vì mua đứt, khách sẽ thuê khối pin từ nhà sản xuất hoặc một bên thứ 3. Khi pin gần cạn, khách sẽ mang xe đến xưởng dịch vụ để thay pin mới đã được sạc đầy.
Tháng 8/2020, NIO ra mắt dịch vụ thuê đổi pin BaaS (Battery as a Service) với phí thuê bao từ 980 NDT/tháng (150 USD). Theo “Tesla của Trung Quốc”, dịch vụ BaaS giúp hãng hạ giá xe khoảng 70.000 NDT (hơn 10.000 USD). Với khách hàng, việc nạp năng lượng cho chiếc xe cũng trở nên nhanh gọn tương tự như đổ xăng.
Tuy nhiên, chính sách hoán đổi pin cũng cho thấy nhiều bất cập. Trước NIO, mô hình hoán đổi pin đã được thử nghiệm ở các thị trường Pháp và Đài Loan, nhưng không thực sự thành công. Năm 2019, hãng xe Pháp Renault đã phải ngưng chính sách này.
“Hoán đổi pin sẽ phù hợp hơn với xe hai và ba bánh, sử dụng điện áp thấp, thường là 48V, và dung lượng pin nhỏ, từ 1,5kWh đến tối đa 4kWh”, C.V. Raman - Trưởng bộ phận Kỹ thuật của Maruti Suzuki Ấn Độ, phân tích. Raman cũng cho biết đây là nguyên nhân Maruti Suzuki không tham gia vào lĩnh vực kinh doanh hoán đổi pin ô tô điện.
“Pin ô tô sử dụng điện áp cao, được tích hợp nhiều công nghệ và liên quan đến hệ thống làm mát. Hoán đổi thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, gây mất an toàn và gia tăng rủi ro liên quan đến tiếp xúc điện”, ông nói.
Với mẫu VF e34, VinFast áp dụng phí thuê bao là 1,45 triệu đồng/tháng cho quãng đường 1.400km (ảnh minh họa)
Ở một khía cạnh khác, Omprakash Upadhyay, chuyên gia về xe điện của TATA AutoComp (Ấn Độ) cho rằng, hoán đổi pin không hoàn toàn giúp giảm gánh nặng chi phí cho khách hàng. Mô hình này đòi hỏi cơ sở hạ tầng lớn, phức tạp và tốn kém khi các xưởng dịch vụ phải luôn dự trữ một lượng pin lớn đã được sạc sẵn.
“Vô hình trung, mỗi chiếc xe phải có ít nhất 2 bộ pin - một bộ bên trong xe và một bộ có sẵn trong trạm thay pin. Điều này làm tăng chi phí của xe lên rất nhiều, vì thực tế pin là thành phần đắt nhất trong chiếc xe điện”, Upadhyay khẳng định.
Thuê bao pin - tối ưu về kinh tế, tối đa về an toàn
Chính sách thuê bao pin mà một số hãng như VinFast áp dụng có thể xem là lời giải hoàn hảo, giúp cân bằng được cả ưu điểm và hạn chế của hai hình thức mua đứt và hoán đổi.
Về mặt kinh tế, thay vì phải chi “một cục” hàng nghìn USD để mua pin, khách hàng sẽ được nhà sản xuất cho thuê pin. Mức phí thuê bao hàng tháng được hãng đưa ra dựa trên tính toán về quãng đường di chuyển trung bình.
Theo ước tính của GlobalData, chi phí mua trọn gói bộ pin tương đương tổng phí thuê bao trong hơn 8 năm. Hình thức “chia nhỏ” chi phí theo thời gian hiện được áp dụng khá phổ biến với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ như gói cước điện thoại, truyền hình hoặc Internet.
Đặc biệt, ưu điểm không thể bỏ qua của hình thức thuê bao là nhà sản xuất sẽ chịu trách nhiệm về pin trong suốt vòng đời sản phẩm, tới cả giai đoạn tái chế, mang lại sự thảnh thơi và an tâm tuyệt đối cho khách hàng.
Như VinFast, hãng cam kết sẽ thay thế cho khách hàng một bộ pin mới khi khả năng tiếp nhận sạc của pin giảm xuống dưới 70%. Đây là “siêu lợi ích” mà khách mua đứt pin hoàn toàn không có được.
“Việc thuê pin giúp chủ xe được hưởng lợi nhiều hơn khi pin được kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng kịp thời bởi chính nhà sản xuất. Mô hình này sẽ là chìa khóa để xe điện phát triển trên quy mô lớn”, GlobalData khẳng định.
Với mẫu VF e34, VinFast áp dụng phí thuê bao là 1,45 triệu đồng/tháng cho quãng đường 1.400km, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển trung bình. “Chi phí vận hành, gồm thuê pin và sạc điện, bằng đúng chi phí tiêu hao xăng, còn giá cả và các tính năng thì đều vượt trội so với xe xăng”, bà Thái Thị Thanh Hải - Tổng Giám đốc VinFast khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận