Trao đổi với PV Báo Giao thông về chiến lược của Ford Việt Nam khi nâng công suất từ 14.000 xe/ năm lên thành 40.000 xe/năm, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho hay, việc mở rộng nhà máy, nâng công suất thì chắc chắn sẽ phải mang thêm các dòng xe mới về lắp ráp bởi công suất hiện tại chỉ đủ để lắp ráp 3 dòng xe CKD là EcoSport, Transit và Tourneo.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cũng hé lộ về cơ hội không chỉ sản xuất lắp ráp ô tô cho thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu ô tô đi một số thị trường: “Hiên tại, một số dòng xe Ford Việt Nam lắp ráp chỉ có duy nhất tại Việt Nam, các nước ASEAN không có như EcoSport, Transit hay mẫu xe mới Tourneo. Một số mẫu xe hiện vẫn đang được xuất khẩu nhỏ lẻ tuy nhiên trong tương lai sẽ có tiềm năng xuất khẩu quy mô lớn, nhưng cần phải có thời gian. Việc mở rộng nhà máy trước hết là để phục vụ nhu cầu trong nước, sau đó tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trong tương lai”.
Khi được hỏi, ở cùng khu vực ASEAN, nếu như nhà máy Ford tại Thái Lan quá tải thì nhà máy tại Việt Nam có hỗ trợ hay không? ông Dũng cho biết, Ford Việt Nam cũng có cơ hội hỗ trợ lắp ráp hộ Ford Thái Lan bởi trong cùng 1 hệ thống thì có thể chuyển đi chỗ khác. Đấy cũng là 1 phần chiến lược của Ford cho Việt Nam và Thái Lan.
Và để hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam được tốt hơn, trong bối cảnh chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng miễn giảm cho tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước chưa ban hành, ông Phạm Văn Dũng cho hay, nếu mức thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện sản xuất trong nước giảm về 0% thì với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô sẽ có tác động tích cực, giống như miễn giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện ngoài ASEAN mà trong nước chưa sản xuất được.
"Trong 1 giai đoạn nhất định, khi quy mô thị trường chưa đủ lớn, khi mà cái giá thành sản xuất trong nước vẫn cao hơn các nước xung quanh thì những hỗ trợ như vậy là cần thiết. Tất niên nên có thời hạn và mở ra cho tất cả các đơn vị đang sản xuất ở trong nước, cùng cơ hội như nhau".
“Cách đây mấy năm, Ford và các đơn vị khác của VAMA có làm phân tích chênh lệch về mặt chi phí sản xuất cỡ khoảng 20%, đến từ 3 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là cách tính thuế của xe nhập khẩu (chiếm khoảng 1/3 chênh lệch chi phí sản xuất) và xe sản xuất lắp ráp trong nước khác nhau thì cái đó Chính phủ đã có thay đổi. Thứ 2 là năng lực, công suất (chiếm khoảng 10%). Các nước có sản lượng cao hơn nên có lợi thế quy mô. Vấn đề quy mô thị trường thì phải cần thời gian, đây là yếu tố bên ngoài, doanh nghiệp không làm gì được ngoài việc nếu như chính sách tạo ra được một khung để thị trường phát triển nhanh hơn. Phần còn lại đến từ hiệu quả, dây chuyền sản xuất rồi công nghệ thì cái này các doanh nghiệp có thể làm, tìm mọi cách để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Phần chênh chi phí sản xuất vẫn còn, nếu như Chính phủ có các chính sách hỗ trợ có thời hạn để làm sao phần chênh lệch chi phí đó giảm bớt đi thì sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất nhiều hơn tại Việt Nam”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận