Theo tờ Nikkei Asia, trong khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tụt hậu so với Tesla và Volkswagen về doanh số bán xe điện, họ lại nắm giữ lợi thế về nhiều công nghệ xe điện quan trọng
Bộ phận nghiên cứu của Nikkei, hợp tác với công ty nghiên cứu Patent Results có trụ sở tại Tokyo, đã chấm điểm 50 công ty toàn cầu về khả năng cạnh tranh của các bằng sáng chế liên quan đến xe điện vào đầu tháng 7, dựa trên các yếu tố như tần suất các bằng sáng chế này được trích dẫn hoặc tranh chấp.
Một mẫu ô tô điện do Toyota Motor và Subaru hợp tác phát triển. Ảnh: Takashi Kawakami/Nikkei
Kết quả là, Toyota Motor xếp hạng đầu tiên trên toàn thế giới dựa trên tầm quan trọng và số lượng của các bằng sáng chế, trích từ nghiên cứu.
Toyota đạt 8.363 điểm, tiếp theo là Ford với 6.564 và Honda với 3.849, Tesla đạt 1.741 điểm.
50 công ty hàng đầu này với Ford Motor ở vị trí thứ hai, Honda Motor đứng thứ ba, General Motors ở vị trí thứ tư trong khi Nissan Motor đứng thứ sáu, và Tesla ở vị trí thứ tám.
Tổng cộng có 21 công ty Nhật Bản, gồm cả nhà sản xuất phụ tùng như Denso, lọt vào top 50 công ty có nhiều sáng chế cho xe điện.
Hàn Quốc và Đức có 5 công ty, dẫn đầu bởi Hyundai Motor đại diện cho Hàn Quốc và Robert Bosch đại diện cho Đức.
Hai tập đoàn Trung Quốc cũng có mặt trong danh sách, là nhà sản xuất xe điện BYD ở vị trí thứ 32 và Nio ở vị trí thứ 47.
Nghiên cứu này phân tích tất cả các bằng sáng chế liên quan đến các bộ phận của EV, như động cơ và pin, cũng như các trạm sạc và cơ sở hạ tầng khác.
Sức mạnh của Nhật Bản trong công nghệ EV bắt nguồn từ sự thành công với các loại xe hybrid. Xe hybrid và xe điện có nhiều thành phần giống nhau.
Toyota tung ra chiếc xe hybrid sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới Prius vào năm 1997 - trước khi hãng Tesla được thành lập. Hãng xe lớn nhất Nhật Bản có thế mạnh về công nghệ kiểm soát cách sạc và xả pin.
"Ngoài việc tạo ra tiền bản quyền, các bằng sáng chế cho phép các công ty gây sức ép cạnh tranh bằng cách từ chối cấp phép cho thương hiệu mới", Taro Nagashima, một chuyên gia tại Công ty Luật Uchida & Samejima cho biết.
Tuy nhiên, đối với Toyota và các công ty cùng ngành, thách thức vẫn giống như thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng trước đây: chuyển sức mạnh phần cứng thành thứ sản phẩm mà mọi người muốn mua.
Các nhà sản xuất Nhật Bản đã từng thống trị thị trường toàn cầu cho TV, máy tính và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác, nhưng rồi bị các đối thủ Hàn Quốc và Trung Quốc lấn lướt, những đối thủ này cân bằng yếu tố chất lượng và giá rẻ.
Ông Sanshiro Fukao tại Viện nghiên cứu Itochu cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô điện Nhật Bản có thể sẽ lặp lại những sai lầm tương tự như ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng cách đây 20 năm, trừ khi họ nhanh chóng đưa sáng chế lên ô tô điện với chi phí hợp lý”.
Nếu không có vị trí dẫn đầu về doanh số bán xe điện, các công ty sở hữu bằng sáng chế Nhật Bản có nguy cơ mất đi lợi thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận