Đề xuất triệu hồi trước khi xảy ra bê bối của Daihatsu
Theo thông tin công bố chiến dịch triệu hồi, Toyota đã phát hiện đai ốc giảm chấn trước trên một số xe Avanza Premio, Veloz Cross và Yaris Cross do vấn đề thiết kế, có thể không đủ lực siết. Trong quá trình sử dụng xe, đai ốc giảm chấn có thể bị lỏng, gây ra tiếng kêu bất thường. Trong trường hợp xấu nhất, đai ốc giảm chấn có thể bị rơi ra, khiến cho xe thiếu ổn định trong quá trình sử dụng xe.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng cho hành khách, Toyota Việt Nam chính thức công bố chương trình triệu hồi siết lại đai ốc giảm chấn trước trên các dòng xe Veloz Cross, Avanza Premio và Yaris Cross với số lượng gần 26.000 xe. Các xe thuộc diện triệu hồi sẽ được khắc phục miễn phí tại đại lý.
Một điểm đáng chú ý, việc triệu hồi các mẫu xe như Avanza Premio, Veloz Cross hay Raize lần này được thực hiện ngay sau thời điểm xảy ra vụ bê bối của Daihatsu trong việc không tuân thủ quy trình chứng nhận các mẫu xe. Khi được hỏi, việc triệu hồi các mẫu xe này có liên quan đến vụ bê bối trên hay không? Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định: “Hoàn toàn không có sự liên quan”.
“Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhận được báo cáo đề xuất một chiến dịch triệu hồi (gồm xe nhập khẩu và lắp ráp) của Toyota Việt Nam. Chương trình triệu hồi này đã được Toyota Việt Nam thông tin tới Cục Đăng kiểm trước thời điểm xảy ra vụ việc của Daihatsu như báo chí đã đưa thông tin. Lỗi liên quan siết lại đai ốc giảm chấn trước trên các dòng xe Veloz Cross, Avanza Premio trong chương trình triệu hồi của Toyota Việt Nam không được Toyota Việt Nam đề cập trong báo cáo liên quan đến vụ việc xảy ra tại công ty Daihatsu và Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng không có thông tin về việc có sự liên quan giữa hai vụ việc này với nhau”, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.
Như vậy có thể thấy, chiến dịch triệu hồi các mẫu xe như Veloz Cross, Avanza Premio và Yaris Cross lần này là hoạt động triệu hồi thông thường để khắc phục những lỗi kỹ thuật đã được hãng xe tự phát hiện và đề xuất thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Về nguyên tắc, khi ra thông báo triệu hồi, hãng xe phải báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam về nguyên nhân lỗi, cách khắc phục như thế nào, số lượng xe bị ảnh hưởng bao nhiêu, đã đúng và đủ chưa để có sự theo dõi, giám sát nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng các dòng xe này tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ giám sát việc triệu hồi khắc phục có đúng với chương trình, hạng mục đã đăng ký, báo cáo hay không.
Cũng trong thông báo mới nhất, Toyota Việt Nam cho biết hãng sẽ đồng thời triển khai chương trình làm hài lòng khách hàng, thay thế chụp bụi chốt trượt càng phanh trước trên các dòng xe Veloz Cross, Avanza Premio và Raize nhập khẩu. Các xe được tham gia chương trình này sản xuất từ 12/9/2022 đến 7/12/2022 do TMV nhập khẩu.
Theo Toyota Việt Nam, đối với chương trình làm hài lòng khách hàng kể trên, hãng đã báo cáo với Cục Đăng kiểm Việt Nam nhưng được Cục xác định không phải chương trình triệu hồi. Vì vậy, hãng tiến hành chương trình làm hài lòng khách hàng, giúp chủ xe yên tâm hơn trong quá trình sử dụng.
Toyota Avanza MT đáp ứng quy chuẩn của Việt Nam
Trước câu hỏi, vụ bê bối của Daihatsu có ảnh hưởng đến mẫu xe Avanza Premio MT tại Việt Nam hay không, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Liên quan đến vụ việc của Daihatsu có ảnh hưởng đến mẫu xe Avanza MT tại Việt Nam thì sau khi nhận được thông tin từ Tập đoàn Toyota, ngày 21/12/2023, Toyota Việt Nam đã có buổi báo cáo trực tiếp với Cục Đăng kiểm Việt Nam để thông tin về vụ việc này và đã chủ động ngừng giao mẫu xe này tới các đại lý và khách hàng của Toyota.
Ngày 23/12/2023, Toyota Việt Nam đã chính thức gửi văn bản số 7980/TMV-TA để báo cáo chính thức thông tin, trong đó có nội dung liên quan dòng xe Toyota Avanza Premio MT (số sàn) có bất thường về quy trình thử nghiệm khí thải và tiêu hao nhiên liệu theo quy định tại UNECE R83 và UNECE R101 và dòng xe này cũng là dòng xe đang được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, xe khi thử nghiệm được dán một chi tiết dạng tấm phẳng được gắn lên vị trí tấm hướng gió sau nhằm mục đích tăng sức cản gió và giả lập cho trường hợp xấu nhất nhưng các xe sản xuất, lắp ráp hàng loạt không có chi tiết này. Các xe sản xuất lắp ráp hàng loạt không có kết cấu như xe mẫu (có dán tấm cản gió) nên có thể làm ảnh hưởng đến khí thải của xe và mức tiêu thụ nhiên liệu đã công bố theo các quy định của UNECE.
Đối với các xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu vào Việt Nam, việc kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và tiêu thụ nhiên liệu được thực hiện trực tiếp trên các xe mẫu theo quy định. Các xe mẫu này phù hợp với các xe sản xuất, lắp ráp hàng loạt tại Việt Nam hoặc các xe nhập khẩu được sản xuất hàng loạt tại nước ngoài.
“Các kết quả thử nghiệm cho thấy khí thải của mẫu xe Avanza Premio MT đáp ứng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (mức 5) và tiêu hao nhiên liệu phù hợp với đăng ký của nhà sản xuất theo quy định”, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định.
Trước đó trao đổi với báo chí, đại diện Toyota Việt Nam cho biết, quan điểm của Tập đoàn Toyota Nhật Bản (TMC) trong vụ việc của Daihatsu là “Không trốn tránh, không nói dối và không bóp méo sự thật”.
Ngay từ tháng 4/2023, sau khi phát hiện một điều chỉnh không phù hợp tại Daihatsu (công ty con của TMC tại Nhật Bản, sở hữu hoàn toàn từ 2016) với việc xe đưa đi thử nghiệm có thêm trang bị so với bản bán ra thị trường, Tập đoàn Toyota đã chủ động lên tiếng xin lỗi khách hàng và tạm thời dừng bán mọi dòng xe bị ảnh hưởng. Sự việc tương tự cũng đã được Tập đoàn Toyota chủ động phát hiện đối với mẫu xe Raize hybrid và Rocky hybrid vào tháng 5, một uỷ ban độc lập thuộc bên thứ ba đã được lập ra để điều tra toàn diện.
Sau khi có kết quả của cuộc kiểm tra kéo dài đến tháng 12/2023, ngay lập tức, Daihatsu Nhật Bản đã tổ chức họp báo công bố ngày 20/12 và thông báo dừng sản xuất tại Nhật Bản đến hết tháng 1/2024.
Trong thời gian tới, Toyota sẽ hỗ trợ toàn diện cho Daihatsu không chỉ trong việc xem xét lại quá trình xét duyệt, mà còn ở việc tái định hướng mạnh mẽ về văn hóa doanh nghiệp và quản lý. Tập đoàn Toyota đặt mục tiêu hoàn thiện các biện pháp phòng chống tái phát cụ thể và cũng muốn báo cáo mục tiêu vào tháng 2/2024.
Đối với thị trường Việt Nam, sau khi kiểm tra, Tập đoàn Toyota xác định chỉ có một mẫu xe bị liên quan là Avanza Premio phiên bản số sàn (MT) do khi kiểm nghiệm khí thải/ tiêu thụ nhiên liệu trước khi sản xuất chính thức, Daihatsu đã có một sửa đổi không phù hợp. Nhận được thông tin, Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã chủ động tạm dừng giao tất cả các mẫu xe liên quan đến Daihatsu kể từ ngày 20/12 dựa theo hệ thống Andon (hệ thống Andon Dừng - Gọi – Đợi phát hiện và báo cáo sự cố ngay lập tức, giúp hoạt động sản xuất của Toyota không để lọt sai sót sang công đoạn tiếp theo) để xác nhận lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận